Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Vùng văn hoá Trung Bộ, xứ Thanh - Nghệ

Xứ Thanh là mảnh đất ở nơi bắt đầu dải đất miền Trung. Nơi ấy là nắng rát, là gió Lào, là cát trắng và rì rào biển xanh. Nơi ấy là nơi gắn liền với những danh nhân văn hóa nổi tiếng, với quần thể tháp Chăm kéo dài từ Quảng Bình cho đến tận Ninh Thuận - Bình Thuận, với đền đài, lăng tẩm triều Nguyễn...Xin mời đến với miền trung để chúng ta hiểu thêm những đặc điểm về tính cách và tinh hoa của vùng đất vùng người nơi đây.
Kỳ này xin giới thiệu 2 xứ Thanh - Nghệ, nơi bắt đầu cái đòn gánh cong hai đầu miền Trung.

I. Khái quát về vùng văn hóa Trung bộ
1. Đặc điểm môi trường tự nhiên xã hội

Nếu nhìn từ góc độ hành chính, lâu nay, người ta hay xếp Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng thuộc Trung Bộ, và coi là Bắc Trung Bộ. Có nhà địa lí học nói rằng, trên một ý nghĩa nào đó, châu thổ sông Mã, sông Cả chỉ là sự "nối dài của châu thổ Bắc Bộ". Chúng tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy, song về mặt văn hóa, từ trước - sau công nguyên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã thuộc không gian văn hóa Đông Sơn, trước đó nữa, có những di tích có tính chất của văn hóa Phùng Nguyên, nếu phải nhìn xa hơn thì cồn sò hến Đa Bút, cồn Cổ Ngựa và các di chỉ hang động xứ Thanh là thuộc về không gian văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn. Cả giới địa học và dân tộc học, văn hóa học đều coi miền núi Thanh - Nghệ là sự nối dài cùng một dải của sơn hệ Tây Bắc - Bắc Bộ. Cố nhiên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã là không gian văn hóa Việt cổ (Lạc Việt cũng với cách nghĩ như vậy, nên chúng tôi cho rằng vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh thuộc vùng văn hóa Bắc Bộ). Do vậy, vùng văn hóa Trung Bộ là vùng đất thuộc lãnh thổ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Đà Nẵng hiện nay. Nói đến miền Trung như một tổng thể hệ thống nằm trong tổng thể hệ thống Việt Nam, người ta thường chú ý đến các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, địa hình miền Trung hẹp theo chiều ngang Đông Tây, nếu quay mặt về đông thì trước mặt mỗi người dân Trung Bộ sẽ là Biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn.
Thứ hai, địa hình miền Trung Bộ chia cắt theo chiều dọc Bắc Nam, bởi các đèo là những dãy núi đồi tách từ Trường Sơn đâm ngang ra biển. Nếu tính từ Tam Điệp đèo Ba Dội thuộc xứ Thanh thì cứ một đèo, một đèo lại một đèo, lặp đi lặp lại qua đèo Hoàng Mai, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông v.v.. Đây là chỉ kể các đèo con, chứ thật ra còn nhiều đèo khác, chẳng hạn đèo Lý Hòa, núi Lễ Dễ (hay núi Ma Cô) ở giữa Quảng Bình, đèo Bình Đê ở khoảng giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Đông Tây ra biển, sông ngắn, nước biếc xanh, ít phù sa, châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu tạo thành các vịnh, cảng. Vận động tạo sơn còn "ném" ra biển xa các đảo và quần đảo. Chưa kể các quần đảo san hô xa khơi như Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ nói các hòn đảo gần bờ như Hòn Gió (Quảng Bình); Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Phú Yên), Hòn Tre (Khánh Hòa) v.v..., tạo ra những "bình phong" ngăn chặn bớt sóng gió Biển Đông. Suốt dải đất miền Trung Bộ, đường bờ biển Việt Nam "ưỡn" cong, "lồi" ra phía sau Biển Đông, đành rằng hướng gió bão, sóng thần, nhưng luồng cá biển cũng chạy gần bờ hơn, so với miền Bắc. Sát bờ biển, từ Quảng Bình trở vô Nam, Ngãi, Bình, Phú có các dải cồn cát chạy dọc dài bắc Nam ghi dấu những đường biển cũ. Ở giữa các dải cồn cát là một vùng trũng nối phân bố xóm làng và ruộng lúa ngày nay. Chân cồn là những bàu nước ngọt.
Thứ ba là khí hậu, miền Trung lại có mùa mưa lệch pha với hai đầu Bắc Nam đất nước, ở miền Trung, lại gặp gió Tây rất khô nóng, thổi từ Lào qua (xưa người vẫn gọi là gió Lào tạo ra sự khô rang cho miền Trung, như Chế Lan Viên từng thốt lên chua xót: Ôi gió Lào ơi, Ngươi đừng thổi nữa - Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ - Những đồi sim không đủ quả nuôi người.

Mặt khác, với Đại Việt, từ năm 1059, vùng Quảng Bình thuộc về nhà Lý, năm 1336, Châu Ô, Châu Lý (tức vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay) thuộc về nhà Trần, năm 1470 vùng đất từ núi Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên) trở ra thuộc nhà Lê. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn phủ xứ Thuận Hóa. Từ đó, Nguyễn Hoàng bắt đầu "kinh doanh dải đất' (chữ dùng của GS. Đinh Gia Khánh) miền Trung. Nói khác đi là sự nghiệp khai phá miền Trung được đẩy lên một bước mới. Rồi hai trăm năm chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, miền Trung trở thành lãnh địa được các chúa Nguyễn tạo ra vô ý thức đối kháng với Đàng Ngoài. Kinh đô của vương triều này là vùng Phú Xuân. Phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỉ XVIII làm lung lay chế độ phong kiến. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Phú Xuân, đất nước được thống nhất trên cơ bản. Năm 1802, dựa vào thế lực của phương Tây, Nguyễn Ánh chiến thắng vương triều Tây Sơn, cai quản một đất nước thống nhất. Từ 1802 đến 1945, nhà Nguyễn đặt kinh đô ở Huế. Như vậy là miền Trung, đã có một thời ít nhất với ba vương triều: các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, có xứ Huế, là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của cả nước. Trải qua tiến trình lịch sử, vùng Trung Bộ là trạm trung chuyển, đất đứng chân để người Việt tiến về phía Nam mở cõi, lại là vùng biên viễn của Đại Việt, nơi diễn ra sự giao lưu trực tiếp giữa người Việt và người Chăm…Chính những đặc điểm tự nhiên, xã hội, lịch sử này của Trung Bộ sẽ tạo cho vùng văn hóa Trung Bộ những đặc điểm riêng, so với các vùng văn hóa Việt Nam.

Hàng thú đá tại Lam Kinh - Thanh Hóa

2. Đặc điểm chung của vùng văn hóa Trung Bộ
Do vị thế địa chính trị, địa văn hóa đặc biệt của xứ Huế, nên xứ Huế đã như một tiểu vùng có gương mặt văn hóa khá độc đáo, vì thế, chúng tôi trình bày những đặc điểm chung của vùng Trung Bộ, và nhìn nhận riêng vùng văn hóa Huế.

Khác với Nam Bộ được khai phá muộn hơn, khác với Bắc Bộ là đia bàn tụ cư và khai thác lâu đời của người Việt, vùng Trung Bộ một thời kì dài thuộc các tiểu quốc của vương quốc Chăm-pa. Trước khi người Việt vào nơi này, Nền văn hóa chăm pa một thời rạng rỡ, như một ánh hào quang hắt lên mặt nước trong buổi chiều tà. Vì vậy, đặc điểm thứ nhất của vùng văn hóa Trung Bộ phải là một vùng đất chứa nhiều dấu tích văn hóa Chăm pa. Dọc miền Trung, nhiều di sản văn hóa hữu thể còn tồn tại trên mặt đất. Đó là các tháp Chăm phơi sương gió cùng năm tháng. Lịch sử đi qua bao nỗi thăng trầm, cuộc đời phải trải qua bao cơn dâu bể, tháp Chăm vẫn sừng sững như một dấu ấn không thể phai mờ. Ở Huế, theo tác giả Trần Đại Vinh, còn tháp đôi Liễu, Cốc Thượng, tháp Núi Rùa. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tại Mỹ Sơn đã có 7 tháp, "đại diện tiêu biểu cho tất cả các giai đoạn và phong cách nghệ thuật kiến trúc Chămpa, tại Bằng An có 1 tháp, tại đồng Dương có 1 tháp, tại Chiên đản có 3 tháp, tại Khương Mỹ có 3 ngôi tháp. ở Bình Dương có tháp Phước Lộc, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh ít, tháp Bình Lâm, tháp Thủ Thiện, ba ngôi tháp Dương Long; hai ngôi tháp ở Hưng Thạnh. ở tỉnh Phú yên có tháp Nhạn; ở Khánh Hòa có tháp Pô Nagar; ở Ninh thuận có cụm tháp Hòa Lai, cụm tháp Núi Trầm; ở Bình Thuận có tháp Pô Đam (hay Pô Tấm), tháp Phú Hải. Có thể nói khó có vùng văn hóa nào ở nước ta lại có nhiều tháp Chăm như vùng văn hóa Trung Bộ. Ngoài các tháp, di vật văn hóa Chăm-pa còn trên mặt đất, trong lòng đất khá nhiều. Đó là các tượng bà Pô Nagar, tượng Chó, đặc biệt là các tượng linga, yoni. Đó là các phù điêu, các trụ đá, các bia đá v.v...Cùng các di sản văn hóa hữu thể, vùng Trung Bộ còn khá nhiều các di sản văn hóa vô thể của văn hóa Chăm pa. Đó là các địa danh Việt mà chúng ta có quyền ngờ rằng, gốc tích của nó phải là các địa danh Chăm, kiểu như Cồn Ràng, Cồn Lồi, Cồn Mọi. Đó là các tín ngưỡng dân gian của người Chăm như thờ bà mẹ xứ sở, thờ cá voi, thờ thần biển .v.v...

Mặt khác, Trung Bộ là vùng đất được người Việt khai phá theo kiểu tiệm tiến. Sự cộng cư với người Chăm, thái độ ứng xử với những vốn văn hóa hiện diện trên mặt đất tàng ẩn dưới lòng đất theo bản chất hiền hòa của người Việt, tạo cho sự giao lưu văn hóa ở đây có những điểm khác biệt.

Trước hết, người Việt tiếp nhận những di sản văn hóa của người Chăm, Việt hóa biến thành di tích văn hóa của mình. Tháp Chăm, đền Chăm khi người Chăm ra đi thì người Việt thờ cúng, sử dụng. Chẳng hạn như Tháp Bà ở Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, vốn là một ngôi tháp của người Chăm, được người Việt sử dụng, coi như nơi thờ tự, linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng của người Việt. Tiêu biểu cho quá trình tiếp biến văn hóa ở Trung Bộ của người Việt là tiếp thu tín ngưỡng thờ bà mẹ xứ sở (Po yan Ina Nagar) của người Chăm.

Với tín ngưỡng thờ Mẫu ẩn trong tâm thức, khi vào Trung Bộ. người Việt gặp tín ngưỡng này của người Chăm, họ đã tiếp thu các nữ thần Chăm và chuyển hóa thành các nữ thần Việt Nữ thần Mưjưk của người Chăm được biến thành bà Chúa Ngọc. Câu chuyện mà Phan Thanh Giản ghi trên bia kí ở sau Tháp Bà, là câu chuyện đã Việt hóa sự tích một nữ thần chăm tại điện hòn Chén, thánh mẫu Vân Hương (tức thánh Mẫu Liễu Hạnh) được đưa vào điện thần cùng với bà chúa ngọc. Nói cách khác đi là, sự tiếp biến văn hóa đã khiến diện mạo tín ngưỡng của người Việt ở Trung Bộ thay đổi, so với người Việt Bắc Bộ. So với thiên nhiên Bắc Bộ và Nam Bộ, Trung Bộ là vùng đệm, mang tính chất trung gian. Vì thế, sự phản ánh thiên nhiên đa dạng của một vùng đất là đặc điểm thứ ba của vùng văn hóa này. Yếu tố biển, sông, đầm, đồng bằng, núi non đều ánh xạ vào trong các thành tố văn hóa, từ diện mạo đến các phương diện khác. Có thể thấy ngay điều này từ diện mạo các loại hình văn hóa, với Trung Bộ, làng làm nông nghiệp tồn tại đan xen với làng của ngư dân. Bên cạnh lễ cúng đình của làng nông nghiệp là lễ cúng cá ông của làng làm nghề đánh cá. Điều này là đương nhiên, bởi lẽ, đồng bằng Trung Bộ thường là đồng bằng nhỏ hẹp, sát biển.

Nơi ấy: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Trong văn hóa đời thường, bữa ăn của cư dân Việt Trung Bộ đã bắt đầu có sự thay đổi, nghiêng về các hải sản, đồ biển. Nói cách khác, yếu tố biển đã đậm đà hơn trong cơ cấu bữa ăn của cư dân ở đây. Mặt khác, người dân Việt Trung Bộ, do tính chất khí hậu, nói rộng hơn là điều kiện tự nhiên chi phối, nên sử dụng nhiều chất cay trong bữa ăn. Tóm lại, vùng văn hóa Trung Bộ có những đặc điểm riêng của mình, khi đặt trong tương quan với các vùng văn hóa khác.

II. Các tiểu vùng văn hóa miền Trung
1. Xứ Thanh - Xứ Nghệ, gạch nối giữa hai đại vùng văn hóa Bắc và Trung
Xứ Thanh, xứ Nghệ là cách gọi dân gian thân quen đối với vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay.
Thanh Hóa có biển đẹp Sầm Sơn, sông Mã bất kham, động Bích Đào kỳ ảo, nhiều di chỉ đá cũ, đá mới, đồng thau lừng danh: Núi Đọ, Đa Bút, Đông Sơn...; nhiều làng mạc cổ: Kẻ Rỵ, Kẻ Chè, Cổ Bôn, Cổ Đô, Bột Đà Trang, Bô Lỗ Trang...; nhiều phong tục lễ hội, trò múa, dân ca độc đáo: trò Xuân Phả, hát ả đào, ví phường vải, hò sông Mã... Xứ Thanh cũng là quê hương của Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quí Ly, các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, cho nên còn đây đền vua Bà, đền Đồng Cổ, thành Tây Đô, di tích Lam Kinh...
Nghệ An - Hà Tĩnh nào chịu kém thua về truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời: di chỉ Làng Vạc, Hang Bua, Đền Cuông thờ vua Thục (sánh vai đền miếu Cổ Loa ngoài Bắc), đền và mộ Mai Hắc Đế, Đền Cờn, Đình Hoành Sơn, Phượng Hoàng Trung Đô (suýt qua mặt Phú Xuân nếu Quang Trung không mất quá sớm); những di tích lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

a. Thiên nhiên xứ Thanh: Động Bích Đào, biển Sầm Sơn, vườn quốc gia Bến En
Đất nước Việt Nam là nơi có vô số hang động đẹp tuyệt vời. Năm 2001, Nguyễn Quang Mỹ và Haward Limbert đã đồng chủ biên một công trình song ngữ đồ sộ là cuốn Kỳ quan hang động Việt Nam - The wonders of Vietnamese Caves , kèm hơn 200 ảnh ( 24 X 24 cm) và nhiều bản đồ từ Lạng Sơn đến Quảng Bình ( nơi có động Phong Nha di sản thiên nhiên thế giới ) nhưng không hiểu sao hai học giả này lại bỏ quên động Bích Đào bất hủ của Thanh Hóa.

Còn gọi là động Từ Thức, do gắn với huyền thoại về cuộc tình duyên đẹp dở dang giữa người trần Từ Thức với nàng tiên Giáng Kiều. Động Bích Đào nằm ở dãy núi Thần Phù (xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn). Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18 đã từng đến đây tức cảnh đề thơ: "Áo gai phiêu bạt thân Từ Thức / Mây nước già dăm mặt Giáng Hương / ... Thiên Thai bao kẻ từng xây mộng / Nào biết Thiên Thai cũng hí trường!"
Hệ thống động Bích Đào gồm Động Ngoài, Động Giữa, Động Trong với vô số vú đá, măng đá: Kho Gạo, Kho Tiền, Rồng ấp trứng vàng, Phường Bát Âm (lấy dùi gỗ gõ vào từng vú đá nghe phát ra những thanh âm nhiều cung bậc giống tiếng chiêng cồng, thanh la, trống, khánh, chuông, mõ), Bàn Cờ, Áo Mũ, Ngọn Nến, Hương Án, Đường Lên Trời, Đường Xuống Cõi Âm... trăm màu ngàn sắc lấp lánh theo sức tưởng tượng dân gian. Gần động Bích Đào có động Bạch Ác, động Mắt Voi, Chùa Tiên đã đi vào ca dao: "Trăng trong gió mát thảnh thơi / Thuyền tình mượn chén hồng mai thay trà ...". Ngoài các di tích và thắng cảnh , du khách sẽ thích hai đặc sản là chiếu cói Nga Sơn bền đẹp và thịt lệch (còn gọi là nhệch) một giống lươn lớn sống ở vùng cửa sông nước lợ, thơm ngon và rất béo bổ. Lệch khoẻ một cách kỳ là, coi chừng khi bắt những con lệch lớn nhất chúng có thể quấn gẫy cánh tay. Vì người ta cho rằng lệch thưởng thức với rượu ngon là món ăn có tác dụng tăng gân cốt, làm hết mỏi gối chồn chân.
Biển Sầm Sơn , cách thành phố Thanh Hóa 16 km, không những là một bãi tắm tuyệt vời mà còn có một quần thể di tích danh thắng hấp dẫn.

Bãi tắm Sầm Sơn chạy dài hàng chục km, gồm ba bãi cát mịn chen với núi đá đủ các hòn lớn nhỏ, nằm ngồi hay chồng lên nhau, với muôn hình ngàn vẻ. Giữa rừng cây bóng mát có đền Độc Cước, đền Tô Hiến Thành, đền Hoàng Minh Tự, đền Cô Tiên, chùa Khải Minh. Trên đường từ đền Độc Cước đến đền Cô Tiên, du khách sẽ gặp hai hòn đá thật lớn chồng lên trên một bệ đá chênh vênh, lấy tay đẩy thấy rung rinh, thế mà chúng đã đứng trụ vững chãi với gió mưa bão táp không biết tự thuở nào. Dân gian hình dung đây là biểu tượng cặp uyên ương chung thủy và đặt tên là hòn Trống Mái , một thắng cảnh của biển Sầm Sơn đã đi vào cổ tích và ca dao: "Dù ai mưa gió bão bùng / Thiếp tôi vẫn giữ thủy chung với chàng" .

Cách thành phố Thanh Hóa 36 km, Vườn quốc gia Bến En (huyện Như Xuân) vừa là khu bảo tồn các nguồn gien (gènes) thực vật, động vật quí hiếm vừa là khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Vườn rộng hơn 16.600 ha, với hồ rộng 4.000 ha, trên mặt nước nhô lên 24 đảo lớn nhỏ; trong hồ có nhiều loài cá, baba, đặc biệt có giống cá mè Sông Mực ngon nổi tiếng xưa nay. Cùng với hồ, Bến En có rừng nguyên sinh phong phú gồm 462 loài cây thuộc 125 bộ: song, mây dùng làm đồ mỹ nghệ, hương bài, màng tang, sến trẩu làm nước hoa, các giống phong lan làm cây cảnh; cây dược liệu có tới 300 loài; gỗ quí có lim, lát hoa, chò chỉ, đinh hương... Có cây lim chu vi đến 2,06 m cao gần 50 m già đã mấy thế kỉ. Khu vực rừng và hồ còn có tới 300 loài côn trùng và trên 200 giống vật, trong đó có nhiều giống quí hiếm: voi, báo, cọp, gấu ngựa, sói đỏ, vượn đen, vượn bạc má... Khí hậu Bến En mát mẻ trong lành, nhiệt độ trung bình 25 ° thích hợp cho việc nghỉ ngơi, du lịch, nghiên cứu khoa học suốt cả bốn mùa giữa bức tranh sơn thủy hữu tình và hoành tráng.


b. Xứ Thanh, đất anh hùng và đế vương: đến Bà Triệu, đền Lê Đại Hành, thành Tây Đô, khu di tích Lam Kinh

Nếu vùng Mê Linh, Xứ Đoài, có hai chị em Bà Trưng, thì Xứ Thanh có hai anh em Bà Triệu: sau khi người anh hùng chống giặc Ngô là Triệu Quốc Đạt mất, cô em Triệu Thị Trinh, dân gian quen gọi là Bà Triệu, được tướng sĩ tôn lên làm chủ soái thay anh. Bà mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi trận, nói lời khí phách: "Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chớ không chịu khom lưng làm tì thiếp...". Bà lập căn cứ tại làng Bồ Điền (huyện Hậu Lộc ngày nay) và đã nhiều lần đánh bại quân Ngô. Chúng khiếp sợ kháo nhau: "Múa ngang ngọn giáo chống cọp dễ / Đối mặt vua Bà khó lắm thay!".

Tháng 2 năm 248, tướng Ngô là Lục Dận đem đại quân đến đánh, bà anh dũng hy sinh tại Bồ Điền. Đền bà được dựng tại đấy, dưới chân ngọn núi Bân. Cách đền 1 km trên đỉnh núi Tùng là mộ Bà; dưới chân núi có mộ 3 anh em họ Lý cũng người làng Bồ Điền , là tùy tướng của Bà. Hằng năm, đến 22 và 23 tháng hai âm lịch, hàng vạn dân khắp vùng, khắp tỉnh hành hương về đây tưởng nhớ vị anh hùng trong một lễ hội lớn có rước kiệu, múa rồng, biểu diễn võ thuật...
Đền thờ Lê Đại Hành dựng tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, trên mảnh đất rộng 40.000 m2. Được sự ủng hộ của thái hậu nhà Đinh Dương Vân Nga, Đại Hành hoàng đế đã đánh tan quân xâm lược Tống ở phía bắc và khuất phục quân Chămpa ở phía nam, giữ vững nền độc lập dân tộc. Hiện nay trong đền vua Lê còn giữ nhiều hiện vật quí hiếm: hai trống đồng Đông Sơn cỡ lớn, một đỉnh đồng, một bình hương đồng đen, một chục chiếc choé, một chiếc dĩa đá màu hồng gọi là dĩa Ngọc Tuyết, đường kính 50 cm, ở giữa lòng đĩa có hai dòng chữ Nho màu đỏ: "Sông Nam một mảnh tuyết / Vượng khí vạn năm còn" . Lễ hội đền vua Lê, diễn ra hai ngày 7, 8 tháng ba âm lịch, với các trò chơi đấu vật, múa võ... cũng là một lễ hội lớn của xứ Thanh.
Cách thành phố Thanh Hóa 45 km, ở phần đất của ba làng Tây Giai, Xuân Giai và Đông Môn (huyện Vĩnh Lộc), một bức thành đá đồ sộ đứng sừng sững từ hơn 600 năm nay, đó là thành Tây Đô (còn gọi là Tây Kinh, Tây Giai) mà từ lâu nhân dân quen gọi là thành nhà Hồ, bởi lẽ người chủ trương xây dựng nó là Hồ Quí Ly, đừng đầu một triều đại ngắn ngủi đầu thế kỷ 15 (1400-1407).
Trong giai đoạn này, nhà Trần suy thoái nghiêm trọng. Kinh đô Thăng Long hai lần bị quân Chămpa cướp phá. Triều Minh ở phía bắc nước Đại Việt cũng có âm mưu thôn tính nước ta. Hồ Quý Ly lúc ấy là quan đầu triều giỏi chữ nghĩa, giàu tham vọng, muốn lật đổ nhà Trần lên làm vua để thực hiện những cải cách cần thiết hòng cứu vãn tình thế. Năm 1397 Hồ Quý Ly từ Thăng Long cử Đỗ Tỉnh vào Thanh Hóa, quê hương của họ Hồ, tìm một căn cứ địa vững chắc để xây dựng thành trì và chuẩn bị dời đô. Vùng đất huyện Vĩnh Lộc có địa thế khá hiểm yếu nên đã được chọn làm nơi dựng đô mới sẽ gọi là Tây Đô.
Thành được xây cấp tốc chỉ sau ba tháng (giêng - ba 1397) đã hoàn thành về mặt phòng thủ. Thành hình chữ nhật, hai mặt nam - bắc dài 900 m, hai mặt đông - tây dài 700 m, cao trung bình 5 - 6 m, có nơi đến 10 m. Thành được đắp đất, mặt ngoài tường thành được ốp đá, toàn những phiến đá rất lớn, dài tới 4,5 m, rộng trên 1 m, nặng tới 15 - 20 tấn. Mặt trong tường thành đắp đất thoai thoải để quân lính lên xuống dễ dàng. Khối lượng đất sử dụng ước tính trên dưới 1 triệu m3. Mặt thành rộng có đường để voi ngựa đi lại và bố trí các ụ pháo. Thành có bốn cổng: tiền, hậu, tả, hữu. Ba cổng hậu, tả, hữu cao 5,4 m , rộng 5,8 m, dày 13,7 m. Riêng cổng tiền hướng chính nam đồ sộ nhất và vẫn còn hầu như nguyên vẹn: dài tới 30 m, dày 14 m gồm 2 cửa: hai cửa hai bên cao 7,8 m, rộng 5 m, cửa giữa cao 8 m, rộng 5,8 m.
Trong nội thành Tây Đô có điện Hoàng Nguyên, Thái miếu, các cung Diên Thọ, Phú Cực, hồ Dực Tương ... nguy nga tráng lệ không thua kém Thăng Long. Tại Tây Đô đã được tổ chức hai kỳ thi thái học sinh (tiến sĩ), năm 1400 và 1405.Đi dọc bốn phía thành nhà Hồ, nhìn những phiến đá khổng lồ chồng khít lên nhau, chúng ta tự hỏi người xưa cách nay hơn 6 thế kỷ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp gì để có thể vận chuyển và đưa lên cao những khối đá lớn nặng đến thế ?
Ở thế kỷ 16 Phùng Khắc Khoan đã có thơ "Sáng sớm qua Tây Đô": "...Nhuận Hồ phụ tử nay đâu tá ? Để gió lẻ loi quấn quýt người"! Giữa thế kỷ 20, học giả Louis Bezacier đánh giá thành nhà Hồ là "một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam xưa"
Khu di tích Lam Kinh (tên ghép từ Lam Sơn và Kinh Đô) cách Thanh Hóa 50 km, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, quê hương anh hùng dân tộc Lê Lợi, căn cứ địa đầu tiên của Khởi Nghĩa Lam Sơn, đã có từ đầu thế kỷ 15, sau khi triều hậu Lê được thành lập. Từ đó về sau đã được nhiều lần bổ sung, tu sửa. Ngoài những cung điện như Quảng Đức, Sùng Hiếu ..., Lam Kinh còn có nhiều lăng miếu như Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Hựu Lăng của Lê Thái Tôn, Chiêu Lăng của Lê Thánh Tôn, v.v.

Bia Vĩnh Lăng - Lam Kinh - Thọ Xuân - Thanh Hóa

Trải qua bao biến thiên lịch sử, các công trình kiến trúc xưa đã bị hủy hoại, chỉ còn một số dấu tích: bốn con rồng đá, những kiệt tác điêu khắc thế kỷ 15 và quí nhất là bia Vĩnh Lăng làm bằng một phiến đá cao 2,97 m, rộng 1,94 m, dày 0,27 m, đặt trên lưng một con rùa đá lớn đẹp. Bia được dựng năm 1433, trên mặt bia ghi tiểu sử và công trạng Lê Thái Tổ (Lê Lợi) do Nguyễn Trãi soạn. Đây là tấm bia thuộc loại đẹp nhất, lớn nhất, có giá trị lịch sử và văn học cao trong kho tàng bi ký Việt Nam.

c. Thiên nhiên xứ Nghệ và truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của một vùng địa linh nhân kiệt

Từ thuở đất nước có tên Văn Lang, xứ Nghệ đã là một trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng , với di chỉ Làng Vạc và nhiều di chỉ khác . Từ thời Bắc thuộc đến thời cận - hiện đại, xứ Nghệ "non xanh nước biếc" của Hang Bua, Cửa Lò, Núi Hồng, Sông Lam ... đã ghi lại dấu tích bao anh hùng, hào kiệt, và danh nhân, từ vua Thục (Đền Cuông), vua Mai (đền Mai Hắc Đế), vua Quang Trung (Phượng Hoàng Trung Đô)... đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... cùng với những công trình nghệ thuật như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, những làng văn hóa Tiên Điền, Trường Lưu, Cổ Đạm... Xứ Nghệ đã cống hiến cho tổ quốc biết bao văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà bác học làm rạng danh văn hóa, văn minh Việt Nam.

Bãi Lữ
Xứ Nghệ có hai nơi thờ Thục An Dương Vương: đền Đức Vua ở Nghi Xách (huyện Nghi Lộc) và đền Cuông ở Diễn An ( huyện Diễn Châu). Nếu đền và đình Cổ Loa tọa lạc giữa đất Cổ Loa là nơi vua Thục xây thành, dựng nước Âu Lạc thì đền Cuông được đặt giữa sườn núi Mộ Dạ, gần nơi vua từ giã cõi đời. "Chớ đem thành bại luận anh hùng" và anh hùng là bất tử . Thục An Dương Vương của chúng ta không hề chết vì thần Rùa Vàng đã rẽ nước đưa vua xuống Biển Đông. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã nói lên nỗi niềm của người đời sau đối với cha con vua Thục:
"Nghĩa cha sâu thẳm, cạn tình chồng
Giãi nỗi kỳ oan mãi chửa thông !..."
(thơ đề am Mỵ Châu, Cổ Loa)
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trong đầu
Nỏ thần sơ ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
(Tố Hữu)
Cách thành phố Vinh 22 km, ven sông Lam, trên phần đất thị trấn Nam Đàn có đền thờ Mai Thúc Loan, người anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Đường, lập nước Vạn Xuân ở thế kỷ 8. Cách đền vua Mai 3 km, ngược dòng sông Lam, là khu mộ vua dưới chân núi Đụn. Ngày xưa hằng năm tại đền và mộ vua, nhiều hội lễ được tổ chức trọng thể: hội Đền rằm tháng giêng, hội giỗ hoàng hậu rằm tháng 7, hội giỗ vua rằm tháng 9 âm lịch. Hội đền mùa xuân có qui mô lớn, trang nghiêm và đông đảo nhất với nhiều trò vui: rước kiệu, đánh vật, bắn nỏ, chọi gà, đua thuyền, đánh đu, cờ người, múa hát rôm rả trong nhiều ngày.

Tháng 10 - 1788, Nguyễn Huệ quyết định đóng đô ở Nghệ An, giao cho trấn thủ Thận và cố vấn Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở khu vực núi Dũng Quyết, vùng Bến Thủy, thành phố Vinh ngày nay. Thành ngoài xây bằng đất và đá ong, hình tứ giác, chu vi 2.820 m, bờ thành cao 3-4 m, diện tích 22 ha, bao quanh thành ngoại là con hào rộng 30 m, sâu 3 m. Thành nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi 1.680 m, với hai dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa, nơi vua thiết triều.
Tháng 11 - 1789 thúc giục Nguyễn Thiếp hoàn thành việc xây dựng Trung Đô và sau đó Quang Trung đã làm việc tại đây ít nhất là hai lần: tháng 5 - 1791 và tháng 1 - 1792. Nhưng sáu tháng sau, vua đột ngột qua đời nên không kịp dời đô từ Phú Xuân ra Trung Đô. Nhà sử học và nhà văn hóa học hôm nay có lẽ không lầm khi cho rằng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện đầu óc chiến lược và tầm nhìn văn hóa của người anh hùng dân tộc trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng cuộc sống an lạc, ấm no cho dân khi vua khẳng định: " Nay kinh đô Phú Xuân hình thế trắc trở, mà trị an Bắc Hà sự thế rất khó khăn (...) Chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ dường vừa cân phân vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ giúp cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về ... " . Phải chăng đó là một biểu hiện tư tưởng thân dân của Quang Trung ?

d. Xứ Thanh, xứ Nghệ đã và đang gìn giữ cho dân tộc một kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo , đẹp đẽ

Xứ Thanh, xứ Nghệ đã sản sinh nhiều truyện cười, truyện trạng, đóng góp to lớn vào nền văn hóa trào phúng dân gian.
Về truyện cười xứ Thanh, trong năm 1987, Nguyễn Đức hiền và Hà Văn Tấn cho công bố cuốn Trạng Quỳnh lần đầu tiên đưa ra lý giải thuyết phục về mối liên hệ giữa nhân vật lịch sử Nguyễn Quỳnh quê ở Thanh Hóa và trạng Quỳnh dân gian, hình tượng trung tâm của một chùm 40 truyện Trạng được truyền tụng khắp nước ta từ Nam đến Bắc, và được coi là đỉnh cao của di sản truyện cười, truyện Trạng Việt Nam. Riêng nhà văn, nhà folklor học Nguyễn Đức Hiền, trước khi mất (2004) còn kịp công bố một tập đại thành Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh - Truyện Trạng Quỳnh dày hơn 400 trang khổ lớn, kèm nhiều hình ảnh và tài liệu Hán - Nôm được in lại nhiều lần như một best seller của folklor Việt Nam.
Truyện cười xứ Nghệ cũng rất phong phú, tiêu biểu là ba chùm truyện: truyện Chàng Ngốc (Ngốc học khôn, Ngốc được kiện, Những cuộc phiêu lưu của anh chàng Ngôc), truyện Ông Bờ Ao (tức ông Tả Ao) và nhất là chùm truyện Cố Bợ (Ông Bợ, Thằng Bợ hay Quỷ Bợ) với hình tượng nhân vật nghịch ngợm, phá phách nhất của kho tàng truyện cười Việt Nam, đến nỗi dân gian cũng phải kêu trời và la làng bởi vì: "Con trời, Cố giỏi nghề chi ?/Nghề đi chọc táo, nghề đi ghẹo người .../Nhà tôi vốn thị thanh bần/Cố đốt cho cháy nhăn răng cố cười..." (Vè Cố Bợ).
Năm 1997, lần đầu tiên Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo đã công bố bộ Kho tàng Diễn xướng Dân gian Việt Nam đồ sộ dày gần 900 trang, mà một phần lớn dành giới thiệu hơn một chục hội lễ và trò diễn lưu hành ở Thanh Hóa trong nhiều thế kỷ , đáng chú ý nhất là những trò diễn có tính cách sân khấu dân gian vô cùng độc đáo: tổ khúc Múa đèn, trò Tiên cuội, trò Trống mõ, trò Bắt cọp, trò Hùm, trò Lào, trò Xiêm, trò Tú Huần, trò Lăng Ba Khúc... và nhất là hệ thống trò Xuân Phả, một đỉnh cao của diễn xướng dân gian Việt Nam gồm trò Hoa Lang, múa Chiêm Thành, múa Lục Hồn Nhung, múa Ải Lao, trò Ngô Quốc. Tất cả các trò diễn kỳ lạ này đều là những tổ khúc múa hát có kịch bản hoàn chỉnh và nhiều nhân vật mang mặt nạ không hề thấy ở các vùng văn hóa khác.
Bên cạnh những hiện tượng folklor còn đầy bí ẩn này, cái hấp dẫn chúng ta nhất trong di sản văn hóa xứ Thanh, xứ Nghệ chắc chắn là kho tàng dân ca.

(Đền Đào DUy Từ tại xã Nguyên Bình - huyện Tĩnh Gia - tỉnh Thanh Hóa; người được coi là ông tổ của ngành nghệ thuật Tuống truyền thống)

Xứ Thanh là một vùng phong phú về dân ca với hát “Cửa đình” Thanh Hóa, còn gọi là hát Nhà Trò, một dị bản của hát ả đào (ca trù) ngoài Bắc. Hát trống quân, hát ghẹo Thanh Hóa (hát huê tình), chèo chải Thiệu Hóa, chèo chải Hoằng Hóa, hát khúc Tĩnh Gia... và nổi tiếng nhất là tổ khúc Hò Sông Mã.
Xứ Nghệ lại có một di sản dân ca rất khác với xứ Thanh: hát ả đào Cổ Đạm, hát giặm Hà Tĩnh, hát ví Nghệ Tĩnh. Hát giặm không phổ biến khắp xứ mà chỉ thịnh hành ở một số địa phương như Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với hai hình thức hát giặm nam nữ và hát giặm vè. Còn hát ví thì phổ biến khắp xứ vì nó gắn với các ngành nghề được tổ chức thành phường. Trên sông nước có ví đò đưa (ví nước ngược, ví nước xuôi, ví đò đưa sông Lam, sông La, sông Phố); các làng vùng biển có ví phường nốc, ví phường chắp gai đan lưới; các làng ven núi có ví phường củi (có nơi gọi là ví phường reo); vùng các thị xã, thị trấn, các chợ đông đúc có ví phường buôn... Quen thuộc nhất là ví phường gặt, phường nhổ mạ, phường cấy, phường đan, phường nón, phường bện võng, phường róc cau, phường róc mía, phường cỏ, phường măng, phường bẽ chè, phường bẽ ngô, mót ngô, phường đường, phường vàng... và nổi tiếng nhất là ví phường vải . Hai đỉnh cao của dân ca xứ Nghệ, xứ Thanh là Hát phường vải và hò sông Mã.

Hát phường vải phổ biến nhất ở các vùng Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Can Lộc, Đức Thọ, Yên Thành Hương Sơn ... là những nơi thịnh hành nghề kéo sợi, dệt vải, cũng là nơi trước đây nhiều anh khóa, nhà nho thích dự các cuộc hát phường vải vừa phụ nghệ nhân tài tử , vừa làm "cố vấn nghệ thuật" cho bên gái hay bên trai trong cuộc thi đua tài trí và âm nhạc. Hát phường vải trước nay bao giờ cũng tuân theo thủ tục chặt chẽ, và ở Nghệ Tĩnh nơi mà hát phường vải phổ biến nhất, có truyền thống nhất, có nề nếp và qui cách nhất, có nhiều tay bẽ câu hát lỗi lạc nhất (Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu...), được người dân các nơi đến hát và nghe hát nhiều nhất thì phải kể đến mười mấy làng của huyện Nam Đàn ven sông Lam.
Cách nay nhiều thế kỷ có lẽ ví phường vải lúc đầu chỉ là những câu hát của các chị em miệt mài hành nghề kéo vải mà thôi. Nhưng rồi một đêm đẹp trời nào đó, một chàng trai hay chữ và hát hay đi qua, nghe được tiếng ca tình tứ êm đềm, lắng dịu của các cô vọng ra "giọng cao đón gió, giọng trầm lắng sương", "tiếng êm như nhiễu, tiếng nhẹ nhàng như tơ" thì anh xúc động dừng chân lắng nghe, rồi cũng cất lên tiếng hát đối đáp. Thế là lề lối thủ tục hát phường vải ra đời và diễn ra những cuộc hát đối đáp giao duyên kéo dài 2, 3 hay có khi 5, 6 đêm mới đủ mọi chặng, mọi bước.
Chặng một, ba bước: hát dạo - hát chào, hát mừng - hát hỏi. Chặng hai, một bước: hát đố, hát đối là bước rất quan trọng, có được mời vào nhà để tiếp tục hát hay không là ở chặng này. Chặng ba, ba bước: hát mời (vào nhà) - hát xe kết (bước căn bản, bước dài nhất) gồm hát thương, hát nhớ, hát than, hát trách... Và đích cuối cùng của hát xe kết là hát cưới, sau khi nàng với chàng đã thuận tình xe kết với nhau; bước cuối là hát tiễn. Tóm lại, hát phường vải là cần mẫn, trí tuệ, đua tài, khoe sắc, giao duyên. Bắt đầu trai hát:
"Đi ngang trước cửa nàng Kiều
Dừng chân đứng lại dặt dìu đôi câu"
và cuối cùng gái hát:
"Ra về răng được mà về
Ở đây tay gối đầu kề nỏ hơn !".
Có chàng lại hát đáp cho có vẻ Tây một chút:
"Ra về cất tiếng "ô voa"
Nhãn hồng gởi lại , "mù soa" em cầm ...
Ở Thanh Hóa, người dân 16 huyện, để vận chuyển giao thông trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi mạn ngược, xưa nay vẫn nhờ vào sông Mã, một con sông tuy lắm thác ghềnh, khó chèo chống ngược xuôi, nhưng cũng có nhiều khúc sông nước chảy hiền hòa. Dọc sông có nhiều cảnh đẹp, đền chùa, làng xóm... với những đêm trăng thanh, những chiều gió mát... Để lao động sông nước đỡ vất vả nhọc nhằn, để khách đi đò vui tai vừa lòng và cũng để thổ lộ tâm tình, các trai đò nhiệt tình cất lên vô số lời hát câu ca của tổ khúc Hò Sông Mã.

Hò sông Mã, với hơn một chục làn điệu, có qui cách, thủ tục hẳn hoi gắn liền với quá trình lao động của anh trai đò. Bắt đầu là hò rời bến (còn gọi là hò mời khách). Đó là điệu hò nhịp một. Khi trời trở gió, thuyền bị ngược nước, trai đò dùng sào song vừa chống vừa hò đò ngược, cũng gọi là hò chống sào hay sắng nước ngược (với hai loại sắng nước nhỏ, sắng nước lớn). Khi thuận buồm xuôi gió, trai đò hò đò xuôi gồm nhiều làn điệu: hò bắc cái, hò nhịp đôi, hò đường trường (còn gọi là hò dọng giã hay hò dung dã), hò niệm Phật, hò làn ai, hò làn văn, hò ru ngủ. Khi chẳng may thuyền mắc vào bãi cát ngầm, trai đò vừa hò mắc cạn vừa lội xuống vác thuyền ra khỏi lạch. Hò mắc cạn gồm hai làn điệu: lúc mực nước quá cạn thuyền chìm sâu trong cát, phải vác thuyền thì họ hò vác; Nếu có thể buộc giây vào kéo từng thôi cho thuyền ra khỏi lạch thì họ hò kéo.
Mỗi lần đến một bến nào đó, trai đò hò cập bến để mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, mua bán:
"Trông lên phố chợ cao cao
Miệng khoan tay bắt lái vào cho mau
Dô ta dô tà dô ta oa oa oa dô ta dô ta dô tà".
Rời con đò sông Mã, khách còn luyến nhớ mãi những câu hò gợi cảm gợi tình của trai đò:
- "Xăm xăm tới gốc cây hồng
Hỏi thăm cô ấy có chồng hay chưa?
Dô khoan dô khoan dô khoan a hề hò khoan ố dô khoan".
- "Hỡi cô con gái nằm đò
Mận xanh ăn vậy đừng chờ đào non
Là dô dô huầy là dô dô huầy".
Tự ngàn xưa, nhờ hàng trăm câu hò sông Mã mà hàng trăm chuyến đò dọc hào hùng, trăm con đò ngang duyên dáng, vẫn vững tay chèo tay chống trên sóng nước hữu tình.

(Lê Văn Hảo - Paris)

Không có nhận xét nào: