Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Rùa Hồ Gươm mang tên "Rùa Lê Lợi Việt Nam"

Nhiều người dân Hà Nội và khách thập phương đã may mắn chứng kiến rùa nổi trên Hồ Gươm.

Công trình nghiên cứu của PGS, TS Hà Đình Đức về "loài rùa Hồ Gươm" đã trải qua 10 năm trời (1991-2000), mới được "Hội đồng quốc tế bảo vệ các loài rùa cạn, rùa nước ngọt" công nhận là loài rùa thứ 23 mới được phát hiện (năm 2000) của thế giới và xác nhận tên khoa học cho loài rùa này là "Rùa Lê Lợi Việt Nam". Quá trình nghiên cứu được PGS, TS Hà Đình Đức kể lại như sau:

Hồi còn bé, tôi thường được nghe về sự tích Hồ Gươm, câu chuyện về vua Lê sau khi đánh giặc đã hoàn trả thanh Bảo Kiếm cho Thần Rùa trên Hồ Lục Thuỷ giữa kinh thành Thăng Long. Từ đó hồ mang tên là Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm hay Hồ Gươm). Đến năm 1959, tôi từ Thanh Hoá ra học tập và tiếp tục công tác tại Hà Nội. Nhiều lần dạo quanh Hồ Gươm nhưng mãi tháng 3 năm 1991, lần đầu tiên tôi mới có dịp may mắn chứng kiến rùa nổi bơi lội ở phía Hàng Khay, tôi chợt nghĩ ngay tới truyền thuyết xưa. Phải chăng đây là sứ giả của Đức Long Quân đã nhận thanh Bảo Kiếm từ vua Lê?

Sách Đỏ Việt Nam, 1992, xếp rùa Hồ Gươm là loại Giải (Pelochelys bibroni) và ghi "Về mùa đông, con giải ở Hồ Gươm (Hà Nội) đôi khi mò lên mô đất Tháp Rùa để phơi nắng (trang 221).

Vậy rùa Hồ Gươm có phải là loài Giải như Sách Đỏ Việt Nam đã viết hay không? Với băn khoăn đó, tôi quyết tâm đi tìm cho ra câu trả lời.

Dịp may đã đến! Tháng 10 năm 1991, tôi được Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội mời nghiên cứu về loài rùa quý này. Cuối năm đó, một dự án lớn định nạo vét Hồ Gươm bằng cơ giới với khối lượng bùn khá lớn và đổ vào đó nước sông Hồng. Tôi cảm thấy lo ngại đến sự xáo trộn môi trường, đe doạ sự an toàn của loài rùa quý này sẽ làm mất đi màu xanh muôn thuở của hồ. Tôi đã viết thư lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) bày tỏ mối lo ngại của mình. Ý kiến của tôi đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chấp nhận. Người ta phải tiến hành nạo vét thủ công với một số lượng bùn không lớn. Hồ Gươm vẫn giữ được dáng vẻ tự nhiên vốn có từ ngày xưa, loài rùa quý được bảo vệ.

Trong dân gian thường truyền tụng về nhiều loài Giải. Đó là loài thuỷ quái, tính khí rất hung dữ, chúng thường sống ở những vùng nước sâu, rình rập đớp vào chân trâu bò, gia súc vô ý xuống tắm. Người bơi qua chúng cũng chẳng tha! Còn rùa Hồ Gươm là loài vật rất hiền lành, chưa hề tấn công bất cứ ai, kể cả trẻ em trước đây thường bơi lội trên Hồ Gươm hay cả những vận động viên bơi thuyền lướt ván vô ý ngã xuống hồ. Vậy tại sao lại có thể xếp rùa Hồ Gươm cùng với loài Giải?

Tôi lần theo sách vở của thế giới mô tả về loài Giải. Tôi nhận ra kết luận rùa Hồ Gươm không phải là loài Giải. Tôi đã đem nhận định này trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu rùa hàng đầu quốc tế như tiến sĩ Peter Pritchard, Giám đốc Viện nghiên cứu Rùa ở bang Florida (Mỹ) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc tế bảo vệ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Ông đã đi nghiên cứu rùa nhiều nước trên thế giới và viết rất nhiều sách về rùa, trong đó có hai cuốn sách lớn là: "Bách khoa thư rùa thế giới" và cuốn "Các loài rùa đang sống trên thế giới". Năm 1995, ông có dịp đến Hà Nội, xem tiêu bản rùa Hồ Gươm ở Đền Ngọc Sơn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về loài rùa này và ông thống nhất với kết luận của tôi: Rùa Hồ Gươm không phải là loài Giải. Ông cho rằng, rùa Hồ Gươm có thể là loài “chủng quần” xa của loài rùa Thượng Hải hoặc loài rùa mới đối với khoa học. Tôi đã trao đổi với GS. Kraig Adler, Trường Đại học Cornell (Mỹ) cũng là chuyên gia nổi tiếng thế giới về rùa. Ông cùng Zao Er-mi viết cuốn "Lưỡng cư bò sát Trung Quốc". Tôi cũng đã trao đổi với tiến sĩ Peter Meylan, Giáo sư Trường Đại học Ecker (Mỹ) là chuyên gia họ rùa mai mềm nước ngọt, tác giả cuốn "Chủng loại phát sinh và quan hệ họ hàng họ ba ba".

Tháng 10 năm 1988, tôi cùng TS Lưu Đức Hải, Trung tâm nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng đi khảo sát loại rùa Thượng hải tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thượng Hải. Chúng tôi đã gặp và trao đổi với GS Zong Yu và GS Ma Jifan và đồng tác giả "Động vật chí Trung Quốc, về phần rùa và cá sấu Trung Quốc", đã thống nhất nhận định rùa Hồ Gươm cũng sai khác so với loài rùa Thượng Hải.

GS Kraig Adler đã động viên tôi viết bài mô tả rùa Hồ Gươm là loài rùa mới để đăng trên tạp chí "Lưỡng cư Bò sát quốc tế" để thông báo với các nhà nghiên cứu rùa trên thế giới. Tháng 9-1999, tôi đã viết và gửi bản thảo cho ông. Sau khi xem xét và trao đổi với các đồng nghiệp cũng là các chuyên gia nghiên cứu các loài rùa mai mềm, ngày 24-11-1999, GS Kraig Adler đã gửi thư báo cho tôi biết: GS và hai đồng nghiệp của ông (TS William P.McCord và TS.Patrich J.Baker) đều đồng ý Rùa Hồ Gươm là loài rùa mới cho thế giới. Hai TS WP và TS.P. J.Baker đề nghị đặt tên loài là "hanoiensis hoặc hoankiemesis" để nêu rõ nơi sống của loài rùa này. GS Kraig Adler đã gợi ý cách trình bày bài báo mô tả loài mới. Tháng 1 năm 2000, tôi đã viết lại và đặt tên khoa học cho rùa Hồ Gươm là:

Rafetus leloii sp.Nov.Ha Dinh Duc, 2000
Rafetus: là tên giống mang tên Raft ở Ấn Độ.

Leloii: là tên loài mang tên Lê Lợi. Theo quy ước quốc tế, tên loài không viết hoa ký tự đầu và theo ngôn ngữ latinh đặt tên cho động vật nếu lấy tên người; đàn ông thêm một ký tự "i", đàn bà thêm ký tự "a". Vì vậy, chữ Lê Lợi viết liền, không dấu và không viết hoa các ký tự họ và tên.

Tôi gửi bản thảo này cho GS Kraig Adler. Ông xem và chữa lại bản thảo cho tôi một lần nữa và giới thiệu bài báo của tôi đến TS Anders G.J.Rhodin là biên tập viên tạp chí "Bảo vệ Rùa Quốc tế". Tháng 4 năm 2000, TS Peter Pritchard gửi thư xin tôi tấm ảnh chụp rùa Hồ Gươm trên Gò Rùa ngày 14-3-2000 để in vào bìa của tạp chí này.

Đã từ lâu, rùa Hồ Gươm có ý nghĩa văn hoá rất lớn đối với dân tộc, là biểu trưng của hoà bình. Giờ đây, khoa học thế giới biết đến rùa Hồ Gươm và đây là loài rùa nước ngọt thứ 23 của thế giới được phát hiện đúng dịp có nhiều sự kiện lớn: Kỷ niệm 615 năm sinh của Vua Lê (1385), khánh thành khu di tích tưởng niệm Vua Lê bên Hồ Gươm, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 55 năm ngày Quốc khánh Việt Nam vào thời điểm chuyển giao thế kỷ đồng thời chuyển giao thiên niên kỷ. Năm thế giới Văn hoá Hoà bình, rùa Hồ Gươm có tên khoa học và ghi vào danh sách các loài rùa nước ngọt của thế giới, mà trong đó tên loài mang tên Lê Lợi - Người gắn với truyền thuyết Hồ Gươm.

Phát hiện này là một đóng góp có ý nghĩa to lớn cho tính đa dạng sinh học không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn cho thế giới./.

PGS.TS Hà Đình Đức (kể)
Minh Ngọc (ghi)

Rùa Hồ Gươm do vua Lê Lợi mang ra từ Thanh Hóa?

Rùa đá đội bia ở Vĩnh Lăng (Thanh Hóa) rất giống về hình thái với tiêu bản rùa ở Hồ Gươm đang được trưng bày ở đền Ngọc Sơn và cụ Rùa đang sống ở Hồ Gươm.

PGS.TS Hà Đình Đức nói về nguồn gốc cụ Rùa hồ Gươm:

"Sách cổ chép rằng, xưa kia ở Vụng Sung trên dòng Lương Giang (Sông Chu ngày nay) gần khu vực Lam Sơn có loại rùa to bằng chiếc chiếu đôi. Từ nhiều đời nay, nhân dân vùng Phúc Địa (nay là xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) truyền tụng về loài rùa khổng lồ, khi nó lên bờ đào tổ đẻ trứng người ta đã lấy chão (dây thừng to) buộc vào chân sau cho trâu mộng kéo.

Nhưng khi đẻ xong nó kéo cả trâu xuống sông, nên đành phải chặt chão để đánh tháo cho trâu. Mai của nó dựng lều che mưa cho 3 – 4 người không bị ướt, có khi lật ngược làm thuyền hái rau trên ao hồ.

Rùa đá đội bia ở Vĩnh Lăng (Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa) rất giống về hình thái với tiêu bản rùa ở Hồ Gươm đang được trưng bày trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), và cụ Rùa đang sinh sống tại Hồ Gươm.
Người nghệ nhân tạc rùa đá Vĩnh Lăng đã quá quen thuộc với loài rùa này nên đẫ tạc theo lối tả chân, hoàn toàn như thật, chứ không mô phỏng như các rùa đá ở Văn Miếu cũng như các đình chùa. Trên bàn chân Rùa đá Vĩnh Lăng khuyết (lõm) một móng.

Phải chăng chiếc móng đó đã bị Triệu Đà lấy đưa về phương Bắc, nên ông cha xưa muốn nhắc nhở con cháu về bài học “Vay – Trả” để giữ chữ ”TÍN”, cái giá mà An Dương Vương đã phải trả là cả vận mệnh đất nước !

Vậy phải chăng Lê Lợi đã đưa rùa từ vùng Lam Sơn ra thả ở hồ Lục Thủy để dệt nên huyền thoại Hoàn Kiếm, bởi xưa kia hồ Lục Thủy chưa có loài rùa khổng lồ ?

Khi trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu rùa Quốc tế, GS. Kraig Adler trường Đại học Cornell (Mỹ) ,họ đã khuyến khích tôi viết bài mô tả Rùa hồ Gươm loài rùa mới. Hai chuyên gia khác là TS. William P. McCord và TS. Patrick J. Baker cũng đồng ý với kết luận của tôi. Chúng tôi công bố trên tạp chí Khảo cổ học (Viện Khảo cổ Việt Nam số 4/2000, đặt tên khoa học Rùa Hồ Gươm là: Rafetus leloii.

Chữ Leloii là tên loài, mang tên Lê Lợi, vị vua liền với truyền thuyết trả Gươm cho thần Rùa. Nhưng theo thông lệ quốc tế, tên loài là một từ, không viết hoa và theo tiếng Latinh, “giống đực” phải thêm “i”, còn “giống cái” phải thêm “a” sau cùng.

Tại Hội thảo Quốc tế “Phát triển Bền vững Thủ đô Hà Nội: Văn hiến, Anh hùng, Vì hoà bình” được tổ chức nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tôi đã có bài tham luận “Rùa Hồ Gươm mang tên rùa Lê Lợi”.