Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Danh nhân Thanh Hoá

THỐNG KÊ DANH NHÂN TRUYỀN THUYẾT, DANH NHÂN VĂN HOÁ-LỊCH SỬ VÀ VÕ TƯỚNG NGƯỜI THANH HOÁ

I/Danh nhân truyền thuyết

1/Chúa Chổm

Tên truyền thuyết của vua Lê Anh Tôn (1556 - 1573), đồn rằng ông vua này thuở hàn vi nợ tiền rượu chè kinh khủng nhưng lại đem lại điều may mắn cho những người đi chợ, bán hàng, chúa Chổm người Cầu Bố nay thuộc thành phố Thanh Hoá.

2/Xiển bột

Hậu duệ hài hước của Trạng Quỳnh, sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Thọ Xuân.

3/Liễu Hạnh hay Chúa Liễu

Theo truyện truyền kỳ của Ðoàn Thị Ðiểm, Liễu Hạnh đầu thai vào nhà ông Lê Thái ở Vụ Bản, Nam Ðịnh, lấy chồng có con, hết hạn đầy về trời. Nhưng nàng lại trở lại hạ giới ngao du sơn thuỷ và cứu nhân độ thế.

4/Mai An Tiêm

Thời Hùng Vương, Mai An Tiêm đã cùng vợ con cải thiện đảo hoang nơi bị đầy ải để tồn tại và phát triển, người nhân giống cây dưa hấu đầu tiên ở nước ta. Núi có sự tích Mai An Tiêm hiện ở Nga Thiện - Nga Sơn.

5/An Dương Vương

Vua nước Âu Lạc, mất ở Nghi Sơn, nơi ông theo thần Kim Qui xuống biển.

6/Mỵ Châu - Trọng Thuỷ

Con gái và con rể của An Dương Vuơng. Mỵ Châu chết ở núi Ngọc úc. Trọng Thuỷ chết ở một cái giếng ở dưới chân núi Ngọc úc. Giếng này nhờ đó mang tên Ngọc Tiễn (rửa ngọc). Tất cả đều ở vùng Nghi Sơn - Hải Thượng (Tĩnh Gia-TH)

7/Từ Thức

Người đời nhà Trần, quê ở Hà Trung, đã lên tiên giới ở do một tiên cô là Giáng Hương chỉ dẫn. Ðộng tiên nơi Từ Thức đi vào nay ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn

8/Chân Nhân (núi Nưa), Hồ Công (Vĩnh Lộc)

Chân Nhân (núi Nưa), Hồ Công (Vĩnh Lộc) là những đại diện cho đạo tu tiên có nhiều phép thuật, hiện di tích còn ở núi Nưa (Triệu Sơn-TH), động Hồ Công (Vĩnh Lộc-TH)

9/Trạng Quỳnh

Ông tổ hài hước diễu cợt thần quyền, vương quyền và thói ỷ thế nước lớn áp chế nước nhỏ thời vua Lê chúa Trịnh, do nhân dân thêu dệt ra từ một nhân vật có thật là Nguyễn Quỳnh ở Hoằng Hoá TH.

II/Danh nhân văn hoá-lịch sử

1/Lê Thị Hoa (TK I)

Quê ở xã Nga Thiện (Nga Sơn-TH), là một nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Bà đã cùng 4 người con tham gia khởi nghĩa và đã lập được nhiều công tích.

2/Bà Triệu (226 - 248)

Quê ở vùng núi Quân Yên, xã Ðịnh Công (Yên Ðịnh-TH). Năm 20 tuổi, cùng anh là Triệu Quốc Ðạt dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Ngô. Khi Triệu Quốc Ðạt mất, nghĩa quân tôn bà làm thủ lĩnhvà bà tiếp tục kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa đã lan ra Giao Chỉ và vào tận Cửu Ðức, Nhật Nam và làm rung động cả Trung Quốc.

3/Lương Ðắc Bằng (1472 - ?)

Người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hoá-TH. Lúc bé đã nổi tiếng thần đồng, năm 27 (hoặc 28) tuổi đỗ hội nguyên, thi đình đỗ nhất giáp tiến sĩ, tên thứ 2 (tức bảng nhãn). Ông làm quan đến thượng thư Bộ lại, được tham dự triều chính, tước Ðôn Trung Bá. Ông còn là nhà giáo mẫu mực, là thầy dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đào tạo nhiều nhân tài học thức cho xứ Thanh và đất nước.

4/Hoàng Ðình ái (1527 - 1607)

Quê ở Biện Thượng huyện Vĩnh Lộc, có công lao lớn trong cuộc trung hưng nhà Lê: bắt sống đại tướng Nguyễn Quyện, lấy lại Ðông Kinh.

5/Phạm Bành (1825 - 1887)

Quê ở làng Trương Xá, xã Hoà Lộc (Hậu Lộc-TH), đỗ cử nhân năm 1864, công Ðinh Công Tráng xây dựng căn cứ và là một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Ðình.

6/Nguyễn Hữu Dật (1604 - 1681)

Quê ở Gia Miêu, xã Hà Long huyện Hà Trung-TH, là một trong những trụ cột của chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Ðược giao làm bố chánh Quảng Bình. Ông có tài về chiến lược quân sự và văn thơ. Mất được truy tặng Chiêm quận công.

7/Nguyễn Chích (1382 - 1448)

Quê ở Ðông Ninh, Ðông Sơn. Ông xây dựng và lãnh đạo căn cứ Hoàng Nghiêu chống giặc Minh, khi Lê Lợi khởi nghĩa, ông đem nghĩa quân Hoàng Nghiêu theo. Ông là một tướng lĩnh tài ba, đã đề xướng kế hoạch đánh vào Nghệ An thắng lợi, làm thay đổi tình thế nghĩa quân, mở đầu cho thắng lợi liên tiếp và thắng lợi cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn.

8/Lưu Ðình Chất (1566 - 1627)

Người làng Quì Chử, Hoằng Hoá, là con công thần Lâm quận công Lưu Ðình Thưởng. Năm 42 tuổi ông mới thi đỗ nhị giáp tiến sỹ, mùa Hè, Quí Mùi (1623), Trịnh Xuân gây biến ông giúp Thanh Vương (Trịnh Tráng) dẹp loạn. Vì có công và tài giỏi nên vào phủ làm tham tụng, tiến lên thượng thư bộ hộ, thiếu bảo, tước Phúc quận công. Năm Ðinh Mão (1627) ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng thiếu sư.

9/Hồ Nguyên Trừng

Con trai Hồ Quí Ly, là nhà sáng chế kỹ thuật quân sự tài giỏi. Cuộc kháng chiến chống Minh thất bại, cha con ông bị bắt đưa về Trung Quốc, ở đây ông chế được nhiều loại đại bác. Làm quan đến Công bộ thượng thư. Ông còn viết sách, làm thơ với tác phẩm tiêu biểu như "Nam ông mộng lục", tỏ rõ lòng nhớ quê hương đất nước của mình.

10/Phạm Vấn (?- 1435)

Quê ở Nguyên Xá (Ðông Sơn). Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1416, có công lao trong các trận Bồ Mộng, Bồ Đằng, giải phóng thành Nghệ An... Ông là một trụ cột của triều đình vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, với ngôi tể tướng. Mất, truy tặng Thái phó, năm 1484 truy phong Trấn quận công.

11/Ðinh Củng Viên (?- 1294)

Quê ở huyện Ðông Sơn, là một nhà ngoại giao tài giỏi dưới đời Trần Thánh Tông (1258 -1278), khi mất được phong tặng chức Thái phó

12/Hoàng Bật Ðạt (1842 - 1887)

Là một trong những người chỉ huy tài giỏi, kiên cường của nghĩa quân Ba Ðình trong phong trào Cần Vương chống Pháp

13/Trịnh Thị Ngọc Trúc (?)

Là con gái Trịnh Tráng, là chính cung hoàng hậu của vua Lê Thần Tông (1619 - 1643). Người ta cho rằng bà là tác giả bộ từ điển Hán - Nôm cổ nhất của nước ta "Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa"

14/Trịnh Duy Thuân (? - 1542)

Người sách Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay), là cháu công thần An Quốc công Trịnh Khắc Phục. được phong Lỵ Quốc công, trấn giữ Thanh Hoá (1522) khi Mạc Ðăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), ông là người bảo vệ che chở hoàng tử Lê Duy Ninh và cùng với chiêu huân công Nguyễn Kim sắm sửa binh lương, chiêu tập hào kiệt mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê, việc chưa thành, ông mất năm 1542.

15/Cầm Bá Thước (1853 - 1895)

Quê ở Trịnh Vạn, Thường Xuân, Thanh Hoá. Năm 1895, phong trào Cần Vương của nhân dân Thanh Hoá phát triển mạnh mẽ, ông lãnh đạo nhân dân lập căn cứ Trịnh Vạn tổ chức chống Pháp. Ông được Tôn Thất Thuyết phong cho chức Tán tướng quân vụ, và tiến hành các trận đánh đồn Po Lẹ, đồn Cửa Đặt... gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Bị sa vào tay giặc, ông không khai nửa lời, hy sinh anh dũng.

16/Nguyễn Mậu Tuyên (1518-1599)

Người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay), dòng dõi công thần (cháu Thúc quốc công Nguyễn Nhữ Lãm). Ông học sâu, hiểu rộng, làm quan đến tể tướng, mẫu mực khuôn phép cho trăm quan. Làm quan tới Thiếu phó Quỳnh quận công. Mất truy tặng Thiếu sư

17/Nguyễn Thu (1799 - 1855)

Còn có tên là Nguyễn Bão, quê xã Nông Trường (Triệu Sơn), đậu cử nhân năm 1821, làm án sát và tham dự biên soạn "Thực lục tiền biên", sau thăng Thị lang Hộ bộ. Ông đă để lại 17 tác phẩm lịch sử, triết học, thơ văn như Lê Quí ký sự, Việt Thi tục biên,...

18/Trịnh Tùng (1546 - 1623)

Người kế tục sự nghiệp của cha là Trịnh Kiểm và hoàn thành sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Ông là Chúa thứ 2 dòng chúa Trịnh, ở ngôi chúa 54 năm và thiết lập nên thể chế nhà nước mới: vua-chúa ở Việt Nam

19/Nguyễn Mộng Tuân (TK XV)

Quê ở xã Ðông Anh (Ðông Sơn-TH). Năm 1400, đậu thái học sinh và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lớn. Dưới thời vua Lê Nhân Tông, ông được cử đi đánh quân Chiêm Thành. Nguyễn Mộng Tuân còn là nhà thơ với các tác phẩm Cúc Pha thi tập, Chí Linh sơn phú,..

20/Trịnh Tuê (còn gọi là Trịnh Huê) ( 1704 - ?)

Quê ở Biện Thượng, nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (trú quán ở xã Bất Quần, nay là Quảng Thịnh, Quảng Xương). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1736) đời Lê ý Tông. Ðây là người được phong trạng nguyên cuối cùng của nước ta. Ông từng giữ chức Tham Tụng, Thượng thư bộ Hình, Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc tử giám. Khi mất được tặng Hữu thị lang

21/Ðào Duy Từ (1572 - 1634)

Quê làng Hoa Trai, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia). Ông là một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn, một nhà quân sự, ngoại giao, văn hoá tài giỏi. Ông đã có công giúp nhà Nguyễn mở mang kinh tế, giữ yên lãnh thổ, được phong tước Lộc Khê hầu và thờ trong Thái Miếu, ông là tác giả của tác phẩm Hổ trướng khu cơ, Ngoạ Long cương Vãn, Tư Dung vãn...

22/Lê Bật Tứ (1562 - 1627)

Quê ở xã Tân Ninh (Triệu Sơn). Năm 1598, đậu tiến sĩ. Năm 1619, được phong chức thượng thư bộ binh, rồi Tham tụng, ông còn là một nhà ngoại giao tài giỏi, một vị quan chính trực, nhiều lần khuyên chúa Trịnh trị tội bọn gian thần

23/Nguyễn Ðôn Tiết (1836 - ?)

Quê ở xã Hoằng Ðức (Hoằng Hoá) đậu phó bảng năm 1879. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, ông đă mộ quân phối hợp với nghĩa quân Hoàng Bật Ðạt tấn công đồn Pháp ở Bút Sơn. Sa vào tay giặc (1886), ông bị đầy đi tù ở Lao Bảo và hi sinh ở đấy

24/Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhân Tuất (1442) huý là Tư Thành, là con thứ tư vua Lê Thái Tông và Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao; là cháu nội vua Lê Thái Tổ, mất ngày 30 tháng 12 năm Ðinh Tỵ ( 1497). Năm 1460, ông lên ngôi vua trị vì được 38 năm với hai niên hiệu: Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Ðức (1470 - 1497). Ông là nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam . Bộ luật thành văn đầu của nước ta, được soạn dưới thời ông. Ông là người sáng lập hội Tao Ðàn, để lại nhiều tập thơ, 1 tập truyện ký và rất nhiều bài viết đặc sắc trong các tập Hồng Ðức thi tập, Thánh Tông di cảo...

25/Lê Trạc Tú (?)

Người làng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay), ông nội là Tán Thiện, chú là Tán Tương cùng đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499), ông đỗ Ðệ nhất giáp chế khoa, khoa Ðinh Sửu (1577), khi làm Thượng thư bộ lại và Tể tướng ông cất nhắc người hiền tài, ông sống ngay thẳng, trong sạch, trong nhà không có của dư.

26/Lê Tắc (TK XIV)

Quê ở Ðông Sơn, theo Trần ích Tắc hàng giặc Nguyên và làm quan Phụng nghị đại phu ở Hán Dương (Trung Quốc). ở Trung Quốc, ông đă hoàn thành bộ An Nam chí lược gồm 20 cuốn nói về lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến đời Trần

27/Tống Duy Tân (1837 - 1892)

Ông quê ở xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc). Ông đậu tiến sĩ năm 1875, làm tri huyện Vĩnh Tường, án sát Sơn Tây, chánh sứ sơn phòng Quảng Hoá. Năm 1886, ông cùng con là Tống Nhữ Mai lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh. Ông cùng Phạm Bành, Hoàng Bật Ðạt, Trần Xuân Soạn... lãnh đạo nghĩa quân Ba Ðình, ông đã bị giặc Pháp bắt tại hang Niên Kỷ (Bá Thước) và hi sinh tại thị xã Thanh Hoá năm 1892

28/Trần Hạng (1372 - 1399)

Quê ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), đậu Thái học sinh và có công trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành của quân dân nhà Trần

29/Cao Ðiển (1853 - 1896)

Quê ở làng Trinh Sơn, xã Hoằng Giang, Hoằng Hoá. Ðược Tôn Thất Thuyết cử chỉ huy trận tấn công vào sứ quán và đồn binh Pháp ở Huế. Sau đó về Thanh Hoá cùng Tống Duy Tân xây dựng căn cứ Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc) chống Pháp. Trên đường ra Bắc liên lạc với nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, ông bị Pháp bắt tại thị xã Bắc Giang và xử chém tại thị xã Thanh Hoá.

30/Ðại Thặng Ðăng (Pháp danh) (TK VIII)

Người Thanh Hoá, có tên Phạn là Mahayana Pridipa, uyên thâm phật học, đến Trung Quốc, ấn Ðộ nghiên cứu và truyền đạo, chú giải kinh phật. Ông mất tại chùa Niết Bàn (ấn Ðộ), thọ 60 tuổi.

31/Nguyễn Hiệu (1664 - 1735)

Là người làng Lan Khê, Nông trưởng, Triệu Sơn năm 27 tuổi đỗ hội nguyên, thi đỗ đồng tiến sĩ. Ông là người tài giỏi, trung hậu và ngay thẳng nên được trọng dụng, làm quan đến thượng thư rồi tể tướng. Khi mất (1735) được triều đình truy tặng thái bảo, đại tư đồ, gia phong làm phúc thần.

32/Lê Hy (1646 - 1702)

Quê ở xã Ðông Khê, Ðông Sơn. Năm 1664 đỗ tiến sĩ. Tài năng của ông được các chúa Trịnh tin dùng, cử đi sứ Trung Quốc được phong chức thượng thư bộ binh rồi thăng Tham tụng (Tể tướng) tước Lai sơn bá. Ông là nhà viết sử nổi tiếng với tác phẩm Bản kỷ tục biên do ông chủ biên.

33/Nguyễn Hữu Hào (1647 - 1713)

Quê ở làng Gia Miêu, Hà Long, Hà Trung. Có công lớn với chúa Nguyễn trong các cuộc giao tranh với chúa Trịnh, được phong chức cai cơ, chưởng cơ rồi chức trấn thủ Quảng Bình..., ông còn sáng tác truyện thơ nôm Song tinh bất dạ lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Khi mất truy tặng Ðôn hậu công thần trấn phủ.

34/Lê Hoàn (941 - 1005)

Quê xã Xuân Lập, Thọ Xuân, từ một người lính bình thường, ông đã lập được nhiều chiến công, được Đinh Bộ Lĩnh giao cho làm Thập đạo tướng quân tổng chỉ huy quân đội. Năm 980, trước sự xâm lược của quân Tống, ông được quân sĩ và triều đình Hoa Lư tôn làm Hoàng đế. Ông đã tổ chức quân dân Ðại Việt hoàn thành cuộc kháng chiến chống Tống. Ông là nhà ngoại giao tài giỏi, có công lớn trong mở mang kinh tế, phát triển nông nghiệp, giữ yên bờ cõi đất nước

35/Lê Phụng Hiểu (? - ?)

Là người hương Băng Sơn, Châu Ái (nay là xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hoá). Ông khỏe mạnh hơn người, võ nghệ cao cường, Lý Thái Tổ dùng làm vũ vệ tướng quân. Khi Thái Tổ mất, các vương gây biến, ông đánh dẹp, tôn Thái Tông lên ngôi, giữ yên triều Lý. Ðược phong Ðô thống thượng tướng quân, tước hầu. Ông còn có công lao lớn trong việc dẹp giặc Chiêm Thành giữ yên bờ cõi phía Nam. Khi chết được phong làm phúc thần

36/Lê Văn Hưu (1230 - 1322)

Quê ở xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá. Năm 1247, thi đỗ bảng nhăn. Năm 1272, làm hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện quán tu và hoàn thành bộ sử Ðại Việt sử ký gồm 30 quyển. Ông không chỉ là nhà viết sử lỗi lạc đầu tiên của nước nhà mà còn là nhà quân sự với chức thượng thư bộ binh kiêm chưởng sử, tước Nhân uyên hầu

37/Nguyễn Hoàng (1524 - 1613)

Là con trai thứ hai của Hưng Quốc công - Nguyễn Kim, vào trấn thủ Thuận Quảng, mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn với vương triều Nguyễn.

38/Nguyễn Hoàn (1713 - 1791)

Quê ở làng Lan Khê, xã Nông Trường (Triệu Sơn). Năm 1743, đậu tiến sĩ, thăng chức lại bộ thượng thư. Năm 1777 được thăng chức thái phó, quốc lão... Không những là một vị quan to trong triều, ông còn biên khảo những tác phẩm lịch sử như Quốc sử tục biên, Ðại Việt đăng khoa lục...cùng với một số tác giả khác

39/Lương Hữu Khánh (TK XVI)

Quê ở làng Hội Triều, nay là xã Hoằng Phong, Hoằng Hoá. Ông đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi hội, không thi đình dưới triều Mạc Ðăng Doanh. Ông có công trong việc khôi phục nhà Lê, được thăng tới thượng thư bộ binh, tước Đạt quận công. Ông đă để lại các tác phẩm như Quan sử, Tân quan văn kê phú...

40/Trịnh Khả (1399 - 1451)

Người làng Kim Bôi xã Vĩnh Hoà, Vĩnh Lộc. Ông là một trong 18 người có mặt trong hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416). Khi Lê Lợi vây thành Nghệ An, ông cùng Lê Văn Linh được cử làm tướng văn, tướng võ. Cùng với Lê Triện, Ðinh Lễ đánh tan 5 vạn quân của Vương Thông ở Ninh Kiều, chặn đứng 2 vạn quân của Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa. Ông được phong tới chức Nhập nội thái uý, bình chương quân quốc trọng sự, thượng trụ quốc, được ban kim ngư trang kim phù, tước Quốc thượng hầu. Tháng 9 năm thứ 9 (1451), đời vua Lê Nhân Tông, ông cùng con là Trịnh Bá Quát bị hại, vì có kẻ gièm pha với Thái hậu là cha con ông làm phản. Năm thứ 11 (1553), Lê Nhân Tông coi việc triều chính khôi phục lại quan tước cho ông. Ðời Thánh tông truy phong Hiển khánh vương.

41/Hà Tông Huân (1697 - 1790)

Người làng Kim Thành, huyện Yên Ðịnh, năm 28 tuổi đỗ bảng nhãn. Ông là người thông minh, tài trí được trọng dụng, ra vào phủ chúa bàn việc quân quốc cơ yếu, làm đồng tham tụng rồi nhập chính tham tụng, kiêm việc ở Quốc tử giám. Khi về hưu vẫn được vời ra làm bậc ngũ lão, được gia thăng thiếu bảo, tước Huy quận công, khi mất được tặng hàm thái phó.

42/Lê Ðình Kiên (1620 - 1704)

Quê làng Thiết Ðinh, xã Ðịnh Tường (Yên Ðịnh-TH). Ông có công trong việc xây dựng phố Hiến (Hưng Yên) thành một trung tâm buôn bán lớn của đất nước. Ông là nhà ngoại giao, ngoại thương tài năng, góp phần quan trọng vào việc mở mang đất nước

43/Nguyễn Kim (? - 1545)

Là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay), là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc trung hưng nhà Lê. Sự nghiệp chưa thành, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc, mất năm 1545. Ông đă sáng suốt nhìn nhận và giao quyền lực lại cho con rể là Trịnh Kiểm trước khi mất. Ông là người mở nghiệp cho dòng chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.

44/Lê Khôi (?- 1446)

Người Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên (Thọ Xuân ngày nay), là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột và là một trong những người đầu tiên đứng dưới cờ nghĩa Lam Sơn. Ông lập được nhiều công lớn: đánh thắng trận Khả Lưu, hạ thành Xương Giang...; bình Chiêm mở mang bờ cõi, dẹp nội loạn Bế Khắc Thiệu, Nông Ðắc Thái, nhiều lần đánh thắng Ai Lao, giữ vững biên ải quốc gia. Ông có nhiều kế sách trị bình, lấy đức và chính làm đầu, dân được bình yên. Ông là người có công to, đức lớn, tài cao, nên các triều vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) đều tin dùng, cho tham dự việc triều chính. Mất truy tặng Thái uý Tam quốc công.

45/Trịnh Kiểm (1503 - 1570)

Quê làng Sóc Sơn, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Ông là người có công lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Ông là người mưu lược đã cùng tướng sĩ đánh lui 5 đợt tấn công của nhà Mạc, bảo vệ vững chắc Thanh Hoá. Ông cũng đă hết sức chăm lo triều chính, lập chế độ thuế khoá, khuyến khích nghề nông, mở rộng thi cử để chọn nhân tŕi... Ông là ông tổ của dòng chúa Trịnh.

46/Nhữ Bá Sĩ (1787 - 1867)

Người làng Cát Xuyên (Hoằng Cát, Hoằng Hoá), đỗ cử nhân năm 1821, xin cáo quan về quê dạy học, sau đó ông mưu việc chống Pháp, việc chưa thành thì mất. Ông là người có học vấn uyên thâm, viết sách về giáo dục, văn hoá, lịch sử... tiêu biểu nhất là tác phẩm Việt sử tam bách vịnh, Thanh Hoá tỉnh chí.

47/Trần Xuân Soạn (1849 - 1923)

Quê ở làng Thọ Hạc, TP Thanh Hoá, do chiến công làm tới Ðề đốc năm 1885, ông được phái kháng chiến trong triều đình Huế giao chức đề đốc quân vụ cùng Tôn Thất Thuyết tổ chức chống Pháp. Khi về Thanh Hoá, ông cùng các lãnh tụ nghĩa quân lập căn cứ Ba Đình, Mã Cao... và được giao nhiệm vụ đóng quân ở Thạch Thành hỗ trợ cho Ba Ðình. Ông mất tại Long Châu (Trung Quốc).

48/Nguyễn Chích (1382-1448):

Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê, quê Thanh Hoá. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp luỹ làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Sau đó, đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427. Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.

49/Lê Tư Thành (1442-1497): Vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, hiệu Thánh Tông, quê Thanh Hoá. Thông tuệ, phong nhã, tài đức vẹn toàn, được các cận thần đưa lên ngôi năm 18 tuổi. Với những cải cách toàn diện và phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra hội thơ Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Cổ tân bách vịnh, Văn minh cổ suý, Xuân vân thi tập…

50/Nguyễn Phúc Nguyên: Sinh năm Quý Hợi 1563, quê gốc Thanh Hóa, chúa thứ hai nhà Nguyễn. Thông minh, năng động, từng trải, nhiệt tình giúp cha khởi nghiệp và năm 1624 kế vị ngôi chúa. Nhân từ, cẩn thận lại mềm mỏng, khéo léo, ông thu hút nhiều người tài và được dân chúng mến yêu gọi là chúa Phật, chúa Sãi. Nhờ ông mà bờ cõi phương Nam được mở rộng, thế lực họ Nguyễn lớn mạnh và đối trọng được với chúa Trịnh ngoài Bắc, góp phần tạo dựng Vương triều Nguyễn sau này

III/Võ tướng người Thanh Hoá Quê choa

Từ cổ chí kim, Thanh Hoá có cả thảy 172 vị tướng với nhiều tên tuổi hiển hách như: Lê Thị Hoa, Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Phụng Hiểu, Trần Bình Trọng, Trần Khát Chân, Lê Lợi, Đinh Liệt,................cho đến các tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, các bạn blog tự tìm hiểu thêm.

Tôi chỉ nêu cụ thể 15 danh tướng đã tìm hiểu được:

1/HOÀNG ĐÌNH ÁI (1527-1607)

Ông là người huyện Vĩnh Phúc (nay là huyệnVĩnh Lộc, Thanh Hoá ), là con nhà cậu của Lương Quốc Công Trịnh Kiểm. Ông là người có học thức, thông binh pháp, trong thời gian nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hoá chống Mạc, lập nhiều công lớn, được phong Quảng Tây Hầu.

Năm 1557, ông được phong Đô đốc chỉ huy sứ Vệ Cẩm y. Năm 1558, ông được phong tước Vinh Quận Công, lúc ấy ông mới 32 tuổi.

Năm 1570, Lượng Quốc Công Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối mưu nổi loạn đầu hàng nhà Mạc, ông cùng với các tướng Hà Thọ Lộc, Nguyễn Hữu Lưu dẹp tan cuộc biến loạn đó. Lợi dụng tình hình rối ren đó, Mạc Kính Điển kéo quân vào đánh. Ông được cử cùng với Đặng Huấn đem quân ra đường bên hữu, đến đâu giặc đều tan vỡ cả, bình định được các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Ngọc Sơn.

Năm 1573, đời Lê Thế Tông ông được phong Thái Phó. Cũng trong năm này, quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy lại vào đánh phá, ông dự chiến phá tan được ở Cẩm Thuỷ, Đường Sơn.

Năm 1581, tướng Mạc Đôn Nhượng thống lĩnh các đạo quân kéo vào đánh phá, chúng vượt đường biển đến huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Ngang. Ông được cử thống lĩnh các tướng đem quân chống giữ. Ông họp các tướng chia làm ba đạo, bảo cùng dẫn quân đều tiến, còn mình tự đốc đại quân, ra hiệu lệnh tiến quân đánh nhau với quân Mạc một trận lớn. Quan quân nhuệ khí rất mạnh, quân Mạc đại bại, Mạc Đôn Nhượng phải thu tàn binh trốn về Kinh ấp. Sau trận đó, ông được phong Thái Uý (1582 )

Năm 1591 tình hình đã có nhiều biến chuyển, quân đội đã mạnh nên Trịnh Tùng chủ trương tiến quân ra Bắc, ông được cử chỉ huy đạo quân thứ hai là Dinh hữu khu, đánh tan quân Mạc ở Phấn Thượng (Sơn Tây), bắt sống được tương giặc là Nguyễn Quyện, tướng giặc là Bùi Văn Khuê xin hàng. Cuối năm 1592 ông lại đem quân phá tan quân Mạc Kính Chỉ ở Thanh Lâm. Đại quân Mạc bị tiêu diệt.

Năm 1593 khi diêt xong nhà Mạc, lấy lại được kinh đô, lúc bàn công ban thưởng ông được gia phong Hữu tướng, Thái uý, tước Vinh Quốc Công.

Mấy năm sau đuổi hẳn tàn binh nhà Mạc lên Cao Bằng, ông được phong làm Thái Tể.

Năm 1599, Lê Kính Tông lên ngôi, ông được gia phong làm Đồng bình chương sự, cho tham dự việc triều chính. Ông mất năm 1607, thọ 81 tuổi, được truy phong Mậu Nghĩa Công, ban tên thuỵ là Hậu Đức, cho khắc bia ''thần đạo'' để ghi công.

2/LÊ VĂN AN (? - 1437)

Danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông quê ở làng Mục Sơn (nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá), tham dự Hội thề Lũng Nhai (1416). Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra (1418) ông đã chỉ huy quân Thiết Đột, đánh trên trăm trận lớn nhỏ, rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Ông đã tham gia một số trận đánh quan trọng như: trận Khả Lưu, trận Tân Bình-Thuận Hoá (1424); vây hãm và dụ hàng giặc ở thành Nghệ An (1425). Năm 1427, ông cùng với tướng Lê Lý (tức Nguyễn Lý) được lệnh đem 3 vạn quân hỗ trợ cho tướng Lê Sát ở Chi Lăng - Xương Giang. Ông đã lập công lớn trong trận đánh Xương Giang (11- 1427).

Sau ngày toàn thắng, với những công lao nói trên ông được phong Nhập nội tư mã, hàm Suy trung Bảo chính công thần, tước Đình Thượng Hầu.

Năm 1434, nhân có biến loạn ở Lạng Sơn, ông được cử chức Tư mã Bắc đạo, đem quân đi đánh dẹp. Lập công, tuy được thăng chức Nhập nội Đại tư mã, Đô đốc Tổng quản Bắc đạo nhưng vẫn bị chê trách (vì đã bắt bớ tràn lan, không làm yên lòng dân).

Năm 1437 ông mất, được truy tặng Tư Không, ban cho tên thuỵ là Trung Hiến.

3/NGUYỄN ÁNH (1762-1819)

Vua đầu tiên, sáng lập triều đại nhà Nguyễn, là cháu của chúa Định - Nguyễn Phúc Thuần.

Năm 1777, sau khi Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn giết, con cháu chúa Nguyễn phải trốn tránh để khỏi bị sát hại Nguyễn Ánh là một người quả cảm, có chí lớn. Ông đã tập hợp lục lượng để chống Tây Sơn khôi phục lại cơ nghiệp của nhà chúa. Năm1780, Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Gia Định, tiếp tục chống quân Tây Sơn. Sau nhiều năm thất bại phải chốn tránh, hai lần chốn ra đảo Phú Quốc, ông đã cầu viện sự giúp đỡ của ngoại bang mượn năm vạn quân Xiêm sang nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh tan trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1875); cho con là Hoàng Tử Cảnh sang Pháp để cầu viện trợ và kí hiệp ước ngày 28/11/1787, nhưng hiệp ước này đã không được thực hiện.

Năm 1787, nhân khi anh em Tây Sơn bất hòa ,xung đột, tranh quyền đoạt vị, Nguyễn Ánh đã đem quân đánh chiếm lại được Gia Định. Khi lực lượng đã mạnh, đến năm 1801, Nguyễn Ánh đã thu phục lại được thành Phú Xuân và năm sau đã chiếm được kinh đô Thăng Long, lật đổ nhà Tây Sơn, làm chủ cả đất nước lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. Đổi quốc hiệu là Việt Nam (1804)

Sau khi lên ngôi ông đã ra lệnh trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo. Để đưa đất nước vào thế ổn định, Gia Long đã đặt quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, liên hệ với Xiêm La, Chân Lạc, Ai Lao : chú trọng quy định pháp luật, năm 1815 bộ "Quốc triều hình luật" (còn gọi là "luật Gia Long") được ban hành gồm 22 quyển với 398 điều; cho tổ chức lại nhà nước từ trung ương đến địa phương, lập sổ hộ tịch để dễ kiểm soát, lệnh cho các làng, xã trong toàn quốc phải lập sổ địa bạ, định thuế khóa,...

Đồng thời ông cũng có nhiều hành động nhằm chấn hưng văn hóa giáo dục. Từ năm 1802, Nguyễn Ánh đã ra lệnh soạn các bộ sử : "Chính biên", "tiền biên", "Cương mục". Năm 1806, sai biên soạn bộ "Nhất thống địa dư chí" gồm 10 quyển, cho lập các văn miếu ở địa phương, phát triển Nho học, mở khoa thi Hương.

Năm 1819, ông mất, thọ 59 tuổi sau khi đổi ngôi cả chúa và vua tổng cộng 39 năm.

4/PHẠM BÀNH (1827-1887)

Ông quê ở làng Tương Xá (nay thuộc xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá), đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864), làm quan đến chức án sát tỉnh Nghệ An, nổi tiếng thanh liêm và biết quan tâm đến đời sống nhân dân.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông bỏ quan về quê cùng với Hoàng Bật Đạt mộ quân khởi nghĩa. Giữa năm 1886 ông được cử cùng với Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng và một số tướng lĩnh khác xây dựng căn cứ Ba Đình nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và làm bàn đạp toả đánh địch ở đồng bằng. Căn cứ Ba Đình thuộc địa phận huyện Nga Sơn (Thanh Hoá). Sở dĩ gọi là Ba Đình vì nơi đây gồm 3 làng: Mĩ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh ở liền nhau, mỗi làng có một ngôi đình, đứng ở làng này sẽ nhìn thấy đình ở hai làng bên và có một ngôi nghè chung, Lập căn cứ Ba Đình nghĩa quân có thể kiểm soát và khống chế đường số 1 (là con đường đi yết hầu của địch từ Bắc vào Nam), hơn thế nữa địa thế nơi đây rất thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ phòng ngự kiên cố và từ đó nghĩa quân có thể toả ra ngăn chặn những hoạt động của địch ở khu vực giữa Ninh Bình và Thanh Hoá.

Sau những thất bại nặng nề ở Ba Đình, thực dân Pháp chủ trương tẩp trung đủ mọi binh chủng, có pháo binh yểm trợ đã tiến hành bao vây và mở nhiều đợt tấn công mới hạ nổi được Ba Đình.

Mặc dù tuổi già sức yếu (lúc này ông đã 60 tuổi) nhưng Phạm Bành luôn có mặt ở trận địa, nơi nguy hiểm nhất để động viên và khích lệ các nghĩa binh chiến đấu.

Ba Đình thất thủ, ông đưa nghĩa quân rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao (Yên Định) ngay đêm 20-2-1887, rồi lánh về quê. Nhưng sau để cứu mẹ già và con là Phạm Tiêu bị giặc bắt làm con tin, ông đã ra đầu thú và uống thuốc độc tự tử ngay sau khi mẹ và con được thả ngày 18 - 3 năm Đinh Hợi (tức ngày 11 - 4 - 1887) để tỏ rõ khí tiết của mình.

5/NGUYỄN BẶC (924 - 980)

Danh tướng của Đinh Bộ Lĩnh. Ông quê ở Gia Miêu (nay là xã Hà Phong, huyện Hà Trung, Thanh Hoá). Xét trong gia phả, ông là tổ tiên của Nguyễn Kim và dòng họ của vua nhà Nguyễn khởi đầu là Gia Long (Nguyễn ánh). Ông theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân từ buổi đấu, thường được cử chỉ huy một đạo quân lớn đánh vào sào huyệt các sứ quân. Nhà Đinh thành lập, ông được phong Định Quốc Cồng (971). Năm 979 vua Đinh cùng con là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám hại, ông truy bắt được, chém chết. Sau đó, ông cùng với Lê Hoàn, Đinh Điền đưa con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên ngôi vua. Do vua nối ngôi còn nhỏ (6 tuổi), Lê Hoàn được cử làm Nhiếp chính. Ông nghi ngờ Lê Hoàn có ý muốn cướp ngôi nên đã cùng với Đinh Điền, Phạm Hạp dấy quân, tiến công vào kinh thành. Quân của Lê Hoàn nhờ chuẩn bị trước đã đánh bại cuộc tiến công. Ông bị bắt và bị xử tử.

6/LƯƠNG ĐẮC BẰNG (1472 - ?)

Ông quê ở làng Hội Triều, huyện Hoằng Hoá, đỗ Bảng nhãn khoa Kỷ Mùi (1499) đời Lê Hiến Tông, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại dưới triều Lê Tương Dực. Năm 1510, ông dâng ''kế sách trị bình'' 14 điều lên vua yêu cầu sửa sang chính trị. Nhà vua khen ngợi nhưng không thi hành. Sau thăng lên Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, tước Đôn Trung Bá. Ông xin nghỉ việc lui về ở ẩn. Ông là thân sinh của Lương Hữu Khánh và Lương Khiêm Hanh, tất cả đều nổi tiếng thần đồng từ bé.
Có tài liệu nói Lương Đắc Bằng tinh thông thuật số, truyến lại cho học trò là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng hiện nay, ngoài bản ''kế sách trị bình'', ông không để lại tác phẩm nào khác.

7/ĐỖ BÍ (Thế kỉ XV)

Ông quê ở thôn Cung Hoàng (nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hoá). Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những buỗi đầu.

Tháng 4 năm Mậu Tuất (1418), quân Minh vây đánh, bộ chỉ huy bị vây hãm ở núi Chí Linh hơn 3 tháng trời, ông luôn đi sát để bảo vệ Lê Lợi.

Ông là một vị tướng có tài. Năm 1424, ông được cử tham gia chỉ huy trận Khả Lưu, chặn đứng cuộc hành quân của giặc, không cho chúng đánh chiếm lại Trà Lân- một vị trí hết sức quan trọng án ngữ mạch giao thông phía tây Nghệ An. Trận này ta thắng lớn, làm thay đổi hẳn tình hình theo chiều hướng có lợi cho Lam Sơn.
Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tiến quân ra Bắc, ông được cử cùng với các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Lý Triện chỉ huy đạo quân thứ nhất gồm 3.000 quân và một thớt voi, có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam thành Đông Quan. Khi vừa tiến ra phía Nam thành Đông Quan, đạo quân này đã lập được ba chiến công vang dội: thắng trận Ninh Kiều (9-1426), trận Nhân Mục (9-1426), trận Xa Lộc (10-1426). Ông đã vinh dự được chỉ huy trực tiếp hai trận Ninh Kiều và Nhân Mục.

Tháng 11 năm 1426, nhà Minh sai Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu nguy, đóng ở Đông Quan hòng làm thay đổi tương quan lực lượng. Mặc dù vậy, ông và các tướng chỉ huy cũng hạ quyết tâm chủ động đánh giặc, trận phục kích Tốt Động- Chúc Động thắng lợi đã thể hiện điều đó, buộc Vương Thông phải rút về cố thủ trong thành Đông Quan. Từ đây nghĩa quân vây chặt Đông Quan. Ngày 7 tháng 2 năm Đinh Mùi (tức ngày 4-3-1427), Vương Thông bất ngờ tấn công vào khu vực đóng quân của ông và Lý Triện ở Qủa Động. Trận này, Lý Triện đã anh dũng hy sinh, còn ông thì bị bắt, mãi đến khi Vương Thông đầu hàng mới được trao trả.
Năm 1428, sau thắng lợi hoàn toàn, lúc luận công ban thưởng, ông được ban quốc tính, tước Huyện hầu (là 1 trong số 14 người được ban tước này).
Trong suốt 20 năm làm quan trong triều, ông vẫn luôn liêm khiết và được tín nhiệm. Năm 1448, lúc vua Lê Nhân Tông cùng đông đả bá quan văn võ về bái yết Lam Kinh, ông và Nguyễn Thận vinh dự được ở lại coi giữ kinh thành Thăng Long. Sau ông mất vào năm nào, không thấy sử chép.

8/BÙI BỊ (Thế kỉ XV)

Ông quê ở Hào Lương, huyện Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Năm 1418, ông cùng với Trịnh Khả bơi theo thuyền giặc, bí mật giành lại hài cốt của tổ tiên Lê Lợi khi giặc Minh hèn hạ trả thù bằng cách quật mồ mả

Khi giặc ồ ạt tiến công vào Lam Sơn, bắt được gia quyến của Lê Lợi, nghĩa quân phải rút về Chí Linh. Sau đó nghĩa quân khiêu chiến, phục binh ở Mường Một, giặc thua to. Trong một loạt trận đánh ở Mường Một, Mường Nanh, Nga Lạc, Mỹ Canh thì trận Mỹ Canh là trận tương đối lớn. Ta bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao và giết được hơn một ngàn tên. Trong trận này, ông đã lập công lớn.

Tháng 4 năm 1427, viện binh của giặcdo Lý An chỉ huy từ Tây Đô vào cứu nguy cho thành Nghệ An. Thấychỗ sơ hở của giặc, Lê Lợi cử Đinh Lễ, Bùi Bị, Lê Sát, Lý Triện, Lưu Nhân Chú đem 2 ngàn quân bất ngờ tiến công thẳng ra Tây Đô. Với cuộc hành quân kiên quyết, táo bạo và cấp tốc, ông và các tướng đã giải phóng hầu hết đất Thanh Hoá, buộc giặc phải co về cố thủ trong thành Tây Đô. Từ đây, miền đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hoá trở vào Nam đã thuộc về Lam Sơn.
Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi cử một vạn quân tiến ra Bắc, chia làm ba đạo khác nhau. Ông có vinh dự được cùng với các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Ninh chỉ huy đạo quân thứ hai tiến ra vùng Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên để giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng và chặn địch từ Nghệ An, Tây Đô tháo chạy ra. Nhiệm vụ đầu tiên ta đã hoàn thành còn nhiệm vụ chặn địch không hoàn thành, hai vạn quân địch vẫn chạy ra được Đông Quan.

Sau trận Tốt Động-Chúc Động, bộ chỉ huy nghĩa quân chuyển đại bản doanh ra Bắc, đóng tại Tây Phù Liệt (Hà Nội) để uy hiếp thành Đông Quan. Ông và Trần Nguyên Hãn được lệnh đem hơn một trăm chiến thuyền, đánh mạnh vào khu vực Hát Môn. Vương Thông hốt hoảng phải co về cố thủ trong thành Đông Quan.
Cuối năm 1427, khi Vương Thông đầu hàng, ta tổ chức Hội thề Đông Quan, ông được vinh dự là một trong 13 tướng cùng Lê Lợi tham dự.

Năm 1428, triều Lê định công ban thưởng, ông được ban quốc tính họ Lê, tước Huyện hầu. Sau không rõ ông mất vào năm nào.

9/PHẠM XUÂN BÍCH (1784-1833)

Ông quê ở xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hoá, đậu cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) đời Minh Mạng. Ông đã từng làm Huấn đạo tỉnh Nghệ An, tri huyện Hưng Hoá, tri phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), sau được vời về kinh đô Huế làm Lang trung bộ Công, rồi Tả thị lang bộ Lại. Năm 1831, tình hình Nam Bộ có nhiều biến loạn, quân Cao Miên thường sang cướp phá, ông được cử làm Hiệp trấn tỉnh Hà Tiên, sau thăng lên Tuần phủ. Năm 1833, quân Cao Miên vào cướp phá, ông cố giữ thành để chống cự, nhưng không có tiếp viện nên thành bị hạ, ông bị sa vào tay giặc. Quân giặc dụ hàng nhưng ông không chịu khuất phục và bị chúng giết hại. Sau đó, quân triều đình đã đánh tan quân giặc.

Ông được vua Minh Mạng truy tặng Trung phụng Đại phu, hàm Nhị phẩm, được thờ ở đền Trung Liệt tại Huế. Năm 1836, triều đình cho rước hài cốt của ông về táng ở Tràng Lang, Định Tiến tại cánh đồng Đồi Quang.

10/ĐINH BỒ (?-1427)

Danh tướng cụôc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông quê ở Thuỷ Cối (nay thuộc xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá), là em Đinh Lễ, anh Đinh Liệt, là cháu bên ngoại của Lê Lợi. Lúc đầu ông được phân công phụ trách việc quân lương. Sau đó, ông được cử chỉ huy đội quân Thiết Đột. Đội quân Thiết Đột do ông chỉ huy rất giỏi phục kích nên đã từng thắng nhiều trận như: trận Lạc Thuỷ (1418); trận Nga Lạc (1419); trận Thi Lang (1420), trận này đội quân của ông đã tiêu diệt được hơn một ngàn tên địch, Lý Bân và Phương Chính đã thoát chêt trong trận này.

Khi tiến quân vào Nghệ An,ông đã lập nhiều công trong trận hạ đồn Đa Căng, trận Trà Lân, trận Khả Lưu. Vì vậy ông được phong chức Thượng tướng, hàm Thiếu bảo. Tháng 7 năm ất tỵ (1425), ông được cử chỉ huy một ngàn quân cùng với tướng Doãn Nỗ, Lê Định tiến vào giải phóng Tân Bình-Thuận Hoá để mở rộng địa bàn về phía Nam. Cùng với sự phối hợp của thuỷ quân, vùng Tân Bình-Thuận Hoá được giải phóng. Ông được cử ở lại làm trấn thủ nơi này.

Cuộc kháng chiến đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết liệt nhất thì vết thương của ông trong trận Hồ Xá lại tái phát, rất nhiều lương y đã cố giắng chạy chữa nhưng không được. Ông mất vào ngày 15 thàng 7 năm Đinh Mùi (1427). Nghe tin dữ, Lê Lợi đã sai người mang sắc phong quốc tính, tước Thái bảo và áo gấm đỏ vào khâm liệng.

Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi đã gia phong cho ông tước Uy dũng Đại vương, Trung đẳng Phúc thần và sai lập đền thờ ở Thuận Hoá.

11/NGUYỄN HỮU CẢNH (KÍNH) (1650-1700)

Danh tướng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người có công thành lập các dinh Trấn Biên (Đồng Nai), Phiên Trấn (Gia Định). Ông là con của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Ông là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá). Năm 1692, ông làm Tổng binh đánh dẹp cuộc nổi dậy của Bà Tranh và lập trấn Thuận Thành (thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), sau đó lại dẹp cuộc nổi dậy của A Ban câu kết với ốc Nha Thát. Nhờ đó ông được cử làm trấn thủ dinh Bình Khang (vùng Khánh Hoà-Bình Thuận). Năm 1698, ông được chúa Nguyễn cử làm Thống suất chưởng cơ kinh lược vùng Gia Định (đồng bằng sông Cửu Long). Hơn một năm sau, ông đã tổ chức được các đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền các dinh, huyện, xã và chiêu tập dân nghèo khai hoang định cư lập làng xóm. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn phong tặng là Hiệp trấn công thần, đặc tiến Chưởng cơ dinh Tướng quân, Lễ Tài hầu, an táng tại Cù Lao Phố (Biên Hoà, Đồng Nai). Nhiều làng, ấp ở Gia Định thờ ông làm thành hoàng.

12/ĐINH LỄ (?-1427)

Là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá, Việt Nam. Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng ông là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn con vua Đinh Tiên Hoàng. Đinh Lễ là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu. Ông là người dũng cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, đánh nhau to với quân Minh ở Khả Lưu. Đinh Lễ cùng Lê Sát xông lên phía trước, các tướng sĩ thấy vậy cùng tiến theo, đánh bại quân Minh, đuổi Trần Trí, Sơn Thọ, bắt được nhiều tù binh. Sau trận đó ông được Lê Lợi phong chức Tư không.

Năm 1425, quân Lam Sơn vây Lý An, Phương Chính ở Nghệ An, Đinh Lễ được sai đi tuần ở Diễn châu. Ông đặt phục binh ngoài thành, đón đánh tướng Minh là Trương Hùng vận 300 thuyền lương từ Đông Quan (Hà Nội) tới. Hùng bỏ chạy, Đinh Lễ cướp được thuyền lương, thừa thế đuổi đánh quân Minh đến tận Tây Đô (Thanh Hoá).

Lê Lợi sai Lê Triện, Lê Sát tiếp ứng cho ông, đánh tan quân Minh buộc địch rút vào thành. Đinh Lễ chiêu dụ dân cư Tây Đô, chọn người khoẻ mạnh đầu quân vây thành.
Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lê Triện tiến đến gần Đông Quan đánh bại TrầnTrí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Vua Minh lại sai Vương Thông mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Đinh Lễ, Nguyễn Xí.

Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nhân bắt được thám tử của Vương Thông, hai tướng biết Thông định chia đường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Nguyễn Xí bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông mắc mưu rơi vào ổ phục kích, bị đánh thua to. Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân Minh bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Đinh Lễ được lệnh cùng Nguyễn Xí mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Tướng Lê Nguyễn cố thủ rồi cầu viện binh. Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí được lệnh mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông thấy vậy bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng nên bị địch giết. Lê Lợi nghe tin ông mất rất thương tiếc.

Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua truy tặng ông làm Nhập nội kiểm hiệu tư đồ. Năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong làm thái sư Bân quốc công, về sau tấn phong Hiển Khánh vương.

Em Đinh Lễ là Đinh Liệt cũng là một công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Cả hai anh em ông đều được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội ngày nay.

13/ĐINH LIỆT (?-1471)

Là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá, Việt Nam.

Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng ông là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn con vua Đinh Tiên Hoàng.

Đinh Liệt cùng anh ruột là Đinh Lễ là cháu gọi Lê Thái Tổ bằng cậu. Ông khi còn trẻ thường đi theo cận vệ cho Lê Lợi.

Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, quân Lam Sơn chiếm được thành Trà Lân, sắp đánh thành Nghệ An. Các tướng Minh mang quân thuỷ bộ cùng đến. Lê Lợi chia cho Đinh Liệt 1000 quân sai đi theo đường tắt chiếm trước huyện Đỗ Gia (nay là huyện Hương Sơn). Lê Lợi nhử địch vào ổ phục kích để Đinh Liệt đánh tập hậu, quân Minh thua to.

Năm 1427, quân Lam Sơn vây Đông Quan (Hà Nội), anh ông là tướng Đinh Lễ bị tử trận. Lê Lợi bèn phong ông làm Nhập nội thiếu uý Á hầu.

Cuối năm 1427, Liễu Thăng mang viện binh sang, ông được lệnh cùng Lê Sát mang quân lên Chi Lăng, góp sức diệt địch, chém được Liễu Thăng, đánh tan đạo viện binh.

Đầu năm 1428 ông được xếp vào chức thủ quân thiết đột. Trong số những công thần theo Lê Lợi từ hội thề Lũng Nhai thì Đinh Liệt được xếp hàng đầu, phong làm Suy trung Tán trị hiệp mưu bảo chính công thần Vinh lộc đại phu tả kim ngô đại tướng quân, tước Thượng tri tự.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Đinh Liệt được phong làm Đình Thượng hầu.

Năm 1432, ông được phong làm Nhập nội tư mã, tham dự triều chính.

Tháng 5 năm 1434 đời Lê Thái Tông có quân Chiêm Thành vào cướp phá, ông được lệnh lĩnh các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá đánh địch. Quân Lê đi đến Hoá Châu, vua Chiêm vội rút về.

Năm 1444 đời Lê Nhân Tông, vua còn nhỏ, có người vu cáo ông, thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai giam cả nhà ông dưới hầm. Nhờ có người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan xin hộ, đến tháng 6 năm 1448 ông mới được tha ra, nhưng vợ con vẫn bị giam. Đến tháng năm 1450 gia đình ông mới được thả.

Trong niên hiệu Diên Ninh của Lê Nhân Tông (1454-1459), ông được giữ chức thái bảo.

Năm 1459, anh vua Nhân Tông là Lê Nghi Dân giết vua cướp ngôi. Ông cùng Nguyễn Xí, Lê Lăng cầm đầu các tướng làm binh biến lật đổ Nghi Dân đưa hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Tháng 6 năm 1460 ông được phong chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội thái phó Á quận hầu. Trong năm đó ông liên tiếp được gia phong.

Tháng 12 năm 1460, ông cùng Lê Lăng đi đánh tù trưởng họ Cầm làm loạn, được thăng lên chức thái sư phụ chính.

Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt làm quan đầu triều, từ đó thường quyết định nhiều việc lớn của triều đình, được vua và các quan lại rất tôn trọng.

Năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông làm chức Chinh lỗ tướng quân, cùng Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) làm tiên phong đi trước, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn.

Năm 1471, ông mất, được truy phong là Trung Mục vương. Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập, sống tới tận thời Hồng Đức. Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê-Trịnh.

Theo gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình, Đinh Liệt còn để lại một số bài thơ nói về Vụ án Lệ Chi Viên đương thời. Ông cùng anh là Đinh Lễ đều được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội ngày nay.

14/LÊ THÀNH (?-?)

Vị tướng tài phò vua Lê Lợi và được phong tới chức Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Tổng Quản Thượng Tướng Quân. Cụ Lê Thành quê ở xã Lam Sơn, huyện Thiệu Hóa, Tỉnh Thanh Hóa, họ Đỗ nhưng vì có công lớn với đất nước nên được Vua sủng ái cho ghép Họ Vua để con cháu sau này mang họ Lê Đỗ. Trong cuộc chiến chống quân Ngô, cuối cùng Cụ bại trận vong tại Thuận Hóa. Bà vợ cả có tên là Nguyễn Thị Cả thay chồng đem quân đuổi giặc nhưng không kịp đành tuẩn tiết. Bà cả không có con. Bà thứ có tên là Nguyễn Thị Phái, quê ở ấp Đình Hương, nổi danh về nhan sắc tuyệt vời đã cùng Con - Cháu dựng nên thôn Định Hòa ngày nay. Nghè Đình Hương và Phủ Mẫu ở chân núi Đình Hương cách thôn Định Hòa gần 1 km là nơi thờ cúng hai Bà, nhưng tiếc thay, do chiến tranh tàn phá đã bị xóa hết dấu tích. Là vị Thành Hoàng của thôn Định Hòa, bàn thờ cụ Lê Thành trước đây đặt tại ngôi đình cũ đã được chuyển về Phủ Thờ gần đấy từ năm 1994. Cuốn thế phả đầu tiên của họ Lê Đỗ được ghi chép bằng chữ Hán từ đời thứ nhất đến đời thứ 15. Tới năm 1943, Thế Phả được ghi thêm bằng chữ Quốc Ngữ và tới năm 1983 được bổ sung bằng tiếng Việt hoàn toàn. Từ đời thứ 13, một số chi nhánh đã tự ý đổi qua họ khác như Lê Văn, Lê Đình, Đỗ Công, Đỗ Trọng,... Vì vậy, kể từ đời thứ 16 trở về sau, trong gia phả họ Lê Đỗ chỉ còn ghi chép con cháu Cụ Lê Đỗ Gốc (thuộc đời thứ 11) và Cụ Gốc được coi như Cụ Tổ của dòng họ Lê Đỗ sau này. Mộ Cụ Tổ đã được cải táng về Nghĩa Trang của Họ Lê Đỗ từ năm 1993. Ngày Giỗ Tổ là ngày mùng 1 tháng 5 âm lịch.

15/THƯỢNG TƯỚNG TRẦN KHÁT CHÂN

Ông thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, một danh tướng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Cũng theo sử cũ, Trần Bình Trọng thuộc dòng dõi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người sáng lập nhà Tiền Lê thế kỷ 10. Như thế, Trần Khát Chân gốc họ Lê ở Châu Ái. Văn bia xã Tương Mai ghi năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) cho biết ông sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370).

Năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đem quân đi chống cự. Bị thua, Quý Ly trốn về Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn sai Trần Khát Chân làm tướng đem quân đi chặn đánh giặc đang theo đường sông Hồng tiến về Thăng Long. Ông "vâng mệnh, khảng khái rỏ nước mắt lạy tạ rồi ra đi". Thượng hoàng cảm động cũng khóc, lấy nước mắt tiễn đưa.

Quân Đại Việt đến Hoàng Giang thì gặp địch. Ông liệu nơi ấy không thể đánh nổi nên rút lui về phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà. Ngày 23 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), thuyền địch đi qua đấy, ông tập trung hỏa pháo bắn vào thuyền vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga. Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm tan tác như rắn mất đầu, vội rút về nước không dám gây sự nữa. Chiến công này đã cứu Thăng Long khỏi tai họa bị tàn phá. Ông được phong làm Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan Nội hầu và được ban thái ấp ở vùng Kẻ Mơ, phía nam kinh thành Thăng Long.

Năm 1399, thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, giết vua Trần Thuận Tông, ông cùng một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc). Việc bị bại lộ, hơn 730 người bị giết. Người đời truyền rằng khi sắp bị chém, Trần Khát Chân gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như còn sống.
Tại nơi ông bị hành hình, sau có đền thờ ở làng Phương Nhai và ở sườn núi Đốn Sơn. Ba tổng Cao Mật, Bỉnh Bút, Nam Cai có tới 29 làng cúng tế. ở Thăng Long, dân vùng Kẻ Mơ cũng lập đền thờ, tạc tượng đá, dựng bia ghi nhớ công đức của ông. Hiện nay, ở Hà Nội có đường phố mang tên Trần Khát Chân.

Không có nhận xét nào: