Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Dòng thơ xứ Thanh

Xứ Thanh, vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất tối cổ, nơi phát tích phần lớn các vương triều Việt Nam. Ắt là nơi hội tụ nhân tài của cả nước, từ thời Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Đại Hành đến Lê Thái Tổ và Trịnh – Nguyễn sau này. Xứ Thanh cũng trở thành đối tượng thẩm mỹ của các hồn thơ dân tộc. Cảm quan xứ Thanh, trong cái hùng vĩ bao la hội tụ hồn thiêng sông núi, với Lam Kinh, Hàm Rồng, Ba Dội, Thần Phù, Lạch Bạng… Tìm đến xứ Thanh, xứ sở thanh bình, khoảng trong trẻo của tâm hôn, con người giản dị, mộc mạc, tình quê đậm đà êm dịu những nỗi niềm trăn trở. Xứ Thanh, vùng quê văn hóa có sắc thái riêng.

Cho nên xuyên suốt lịch sử Văn học dân tộc có dòng thơ xứ Thanh, giọng thơ xứ Thanh, góp phần phong phú cho thơ ca dân tộc và những nét rất riêng của một miền thơ. Cố công đi tìm ta sẽ thấy dáng vẻ tâm hồn xứ Thanh qua thơ xứ Thanh. Văn hóa xứ Thanh là một trong những yếu tố cơ bản chi phối điệu thơ xứ Thanh.

Từ hào khí Bà triệu, hào khí Lam Sơn, hào khí Cần Vương đánh Pháp, đến hào khí cách mạng vô sản, cha ông ta đã xây dựng những viên đá tảng cho nền thơ xứ Thanh và thơ ca dân tộc. Cũng cần thấy rằng xứ Thanh là một trong những vùng đất với tư cách là đối tượng thẩm mỹ, có vị trí quan trọng trong sự trưởng thành của hồn thơ cách mạng Tố Hữu, là cái duyên buổi đầu với cách mạng của nhà thơ Xuân Diệu hòa tâm hồn vào vùng đất xứ Thanh…

Với những bông hoa đầu mùa, những tác phẩm thơ thành công trong cách mạng tháng 8 và buổi đầu kháng chiến chống Pháp, điều thú vị là sự xuất hiện phần lớn những cây bút xứ Thanh như: Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Minh Hiệu, Hữu Loan, Hà Khang đủ điều kiện để khẳng định vị trí xứ Thanh – Cái nôi buổi đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Và thời kháng chiến chống Mỹ, trên văn đàn thơ Việt Nam lại trào lên những thành tựu của thơ ca người Thanh Hóa như Vương Anh, Nguyễn Duy, Mã Giang Lân, Lê Đình Cánh, Văn Đắc… Mới đây tìm ra Cầm Giang với những bài thơ nổi tiếng trong nền thơ Việt Nam : Nhớ vợ (bút danh Cầm Vĩnh Uy), Em Tắm (bút danh Bạc Văn Ùi), Núi Mường Hung – Dòng sông Mã, người con gái Châu Yên, Mộ bên đường… Ông tên thật là Lê Gia Hợp (1932 -1989), quê ở làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Mảnh đất xứ Thanh, mảnh đất của sử thi và thế sự, con người xứ Thanh chân chất, hiền hòa, sống nghĩa tình, trọng thủy chung, có cả chút phóng túng ngang tàng trong mạch ngầm trăn trở, hướng về cội nguồn trong tâm thức, tâm linh.

Vùng quê và con người Thanh Hóa, thấm đượm trong thơ xứ Thanh ở chỗ này, chỗ kia mỗi bài thơ của tác giả xứ Thanh. Xu hướng giữ gìn bản sắc dân tộc, cảm quan của các nhà thơ đương đại xứ Thanh trong quá trình biểu hiện tâm hồn, còn thể hiện cả chất liệu văn hóa xứ Thanh trong thơ. Ta gặp giọng điệu của sử thi Đẻ đất Đẻ nước mà ngây ngất thi sĩ trong thơ Vương Anh. Trăn trở hào hùng mà tình tứ trong thơ Huy Trụ. Cái ào ạt mà sâu lắng của người cửa sông trong thơ Nguyễn Ngọc Quế, Lã Hoan. Lối thơ duyên dáng nhẹ nhàng sâu kín thấm đẫm niềm thương của Đăng Sơn, Đào Phụng. Mai Ngọc Thanh “Lặng lẽ xanh” với lỗi thơ tạo hình gây ấn tượng mạnh, cách nói cách nghĩ độc đáo. Lời bình dị mà tứ sâu trong thơ Đinh Ngọc Diệp. Văn Đắc giữa hai bờ hư thực với câu thơ phóng túng ào ạt. Mạnh Lê rung lên cảm xúc trong chiều sâu văn hóa từ ẩn ức tâm linh. Lê Hai trăn trở đời thường. Phạm Khang ngất ngây đi tìm giọng điệu thơ mới lạ riêng cho mình. Nguyễn Minh Khiêm tung phá tìm thể nghiệm mới. Quế Anh, tứ và lời táo bạo. Nguyễn Trọng Liên trầm sau hai thời điểm quá khứ và thực tại với số phận con người. Lê Đình Bằng với trữ tình thế sự. Lê Văn Sự với giọng thơ êm ả đồng quê. Lâm Bằng tắm hồn trong Cỏ đón từng “Giọt nắng” cho đời. Cao Sơn Hải thả bút, hồn bay cao với mọi miền quê đất nước để rồi về với Mùa xuân bản mường và Người đàn bà vùng cao, nhìn quê hương sâu sắc hơn. Và cả đội ngũ người làm thơ dân tộc thiểu số có nhiều tìm tòi trong tiếp biến văn hóa dân tộc mình như: Bùi Nhị Lê, Bùi Tiên, Vi Lập Công, Cầm Bá Lai, Bùi Kim Quy, Bùi Chí Hăng, Cao Hồng Minh… Ta yêu cái thơ ngây êm ả mà sâu sắc trong dòng thơ viết về đề tài thiếu nhi trong thơ Đỗ Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quế, Mai Ngọc Uyển. Nguyễn Cảnh Hưng tỏ ra tài hoa và mạnh bạo với dòng thơ thế sự trào phúng. Phạm Cú cần mẫn trong dòng thơ lý luận đạo đức. Và thơ của các nữ sĩ xứ Thanh, vốn thơ mang nhiều nữ tính, nên thơ nữ đầy ắp chất thơ. Ta gặp thơ Kim Quy trăn trở hoài niệm, thơ Vũ Thị Khương mang tứ gọn, lời thơ dụi dàng duyên dáng. Nguyễn Thị Nhung với điệu nói mộc mạc xứ Thanh. Và còn nhiều gương mặt thơ nữa đang có xu hướng tự khẳng định mình. Hỗ trợ cho các nhà thơ trên đất Thanh còn có biết bao nhà thơ quê Thanh ở mọi miền tổ quốc có nhiều đóng góp cho thơ hiện đại Việt Nam như: Lữ Giang, Cầm Giang, Hồ DZếnh, Lê Đại Thanh, Nguyễn Bao, Định Hải, Xuân Sách, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Trần Vũ Mai, Nguyễn Duy, Mã Giang Lân, Anh Chi, Trịnh Thanh Sơn, Phạm Đình Ân, Mai Văn Hai, Trịnh Anh Đạt, Lê Minh Hoài, Nguyễn Hoa, Lê Thị Kim, Lê Tuấn Lộc… Có thể nói trên mảnh đất xứ Thanh đang nở rộ đội ngũ thơ đi tìm sáng tạo mới.

Trên đất nước của thơ ca này, làm thơ cực dễ, ai cũng làm được thơ ca. Nhưng làm được thơ hay cực khó, mà thơ hay mới đúng được, thế nào là thơ hay đó là điều còn nhiều bàn cãi. Chỉ có thể nói một cách chung chung là thơ hay là phải có sức sống trong thời gian, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc (có thể quên cả tác giả và tên bài thơ). Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có quan niệm Thơ nói cho cùng sống bằng câu chữ ít khi sống bằng bài. Một câu thơ thơ hay thường là hình ảnh biểu tượng gây ấn tượng với nhiều ý nghĩa, vừa sâu sắc vừa thâm trầm, vừa bay bổng tài hoa. Một câu thơ dù thông minh uyên bác đến đâu mà thiếu hồn vía, thiếu cảm xúc thì vẫn chưa thể là câu thơ hay được. Nếu thế thì thơ Thanh Hóa có số lượng câu thơ hay không nhỏ so với các vùng thơ của cả nước.

Không có nhận xét nào: