Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Những cái nhất của nhà Hậu Lê

Nhà Hậu Lê là triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mặc dù quyền bính thăng trầm không dứt nhưng triều đại này có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Những cái nhất dưới đây phác họa phần nào hình ảnh về vương triều này.

1. Nhà Hậu Lê là triều đại có quá trình hình thành trong thời gian dài nhất; được thành lập trên cơ sở thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược (tính từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ngày 07/02/1418 đến ngày 29/4/1428 khi ông lên ngôi hoàng đế). Đây là triều đại từ tay trắng dựng lên nghiệp lớn, “mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông” (Chí Linh sơn phú).

2. Về danh nghĩa chính thống, nhà Hậu Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta với 355 năm chia làm hai thời kỳ: Lê sơ 99 năm (1428-1527) và Lê Trung Hưng (Lê mạt) 256 năm (1533-1789)

3. Hậu Lê là triều đại có nhiều vua nhất với tổng số 27 vị vua nối nhau trị vì; thời Lê sơ có 11 vua, thời Lê Trung Hưng có 16 vua.

4. Hậu Lê là triều đại có nhiều vua lên ngôi sớm nhất, có 5 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống là: Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Nhân Tông (01 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi), Lê Thế Tông (6 tuổi) và Lê Gia Tông (10 tuổi). Trong số đó vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là Lê Nhân Tông.

5. So với các triều đại khác, nhà Hậu Lê có nhiều vua sống thọ nhất, có 7 vua thọ từ 40 tuổi trở lên là: Lê Thái Tổ (48 tuổi), Lê Thánh Tông (55 tuổi), Lê Hiến Tông (43 tuổi), Lê Anh Tông (41 tuổi), Lê Thần Tông (55 tuổi), Lê Ý Tông (40 tuổi) và Lê Hiển Tông (69 tuổi).

6. Hậu Lê cũng là triều đại có nhiều vua chết trẻ nhất, có đến 7 vua sống không quá 20 tuổi là: Lê Thái Tông (19 tuổi), Lê Nhân Tông (18 tuổi), Lê Túc Tông (16 tuổi), Lê Cung Hoàng (20 tuổi), Lê Chân Tông (19 tuổi), Lê Huyền Tông (17 tuổi) và Lê Gia Tông (14 tuổi). Ngoài ra còn có 7 vua thọ trên 20 tuổi đến dưới 30 tuổi, đó là: Lê Nghi Dân (21 tuổi), Lê Uy Mục (21 tuổi), Lê Tương Dực (23 tuổi), Lê Chiêu Tông (24 tuổi), Lê Trung Tông (22 tuổi), Lê Đế Duy Phường (27 tuổi) và Lê Chiêu Thống (28 tuổi).

7. Do có nhiều biến cố nên nhà Hậu Lê là triều đại có nhiều vua bị giết nhất, đó là 9 vua: Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông và Lê Đế Duy Phường.

8. Hậu Lê là triều đại ban hành nhiều bộ luật nhất trong lịch sử phong kiến. Công trình pháp lý tiêu biểu gồm có: Luật thư (1442), Quốc triều luật lệnh (1442), Lê triều quan chế (1471), Quốc triều hình luật (1483), Thiên Nam dư hạ tập (1483), Hồng Đức thiện chính thư (1497), Quốc triều điều luật (1777), Khánh tụng điều lệ (1777)…

Ngoài ra, còn có thể kể đến Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, Lê triều hội điển, Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, Từ tụng điều lệ cùng một số văn bản liên quan khác mang tính chuyên biệt như trong lĩnh vực pháp y có Công án tra nghiệm bí pháp (1714), Nhân mạng tra nghiệm pháp...

Trong số các văn bản pháp luật này, Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật, Luật Hồng Đức) được coi là bộ luật tiến bộ nhất, sử dụng trong thời gian dài nhất (từ 1483- 1815) và là đỉnh cao của nền pháp luật phong kiến Việt Nam.

9. Hậu Lê là triều đại đúc nhiều loại tiền nhất với 40 loại mang niên hiệu các đời vua. Trong đó cho đúc nhiều nhất là vua Lê Hiển Tông với 16 loại tiền như: Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng chí bảo, Cảnh Hưng thái bảo, Cảnh Hưng đại tiền…

10. Hậu Lê là triều đại mở nhiều khoa thi nhất và lấy đỗ được nhiều nhân tài nhất. Lịch sử khoa bảng Việt Nam kéo dài 844 năm (1075-1919), các triều đại phong kiến đã tổ chức được 185 khoa thi, lấy đỗ 2898 vị đại khoa trong đó nhà Hậu Lê mở 98 khoa thi (Lê sơ: 28 khoa, Lê Trung Hưng: 70 khoa) và lấy đỗ 1732 người (có 3 khoa không biết rõ số người đỗ). Đặc biệt đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã cho mở 12 khoa thi, lấy được 501 người đỗ Tiến sĩ.

11. Hậu Lê là triều đại lấy đỗ nhiều Tam khôi nhất, trong số 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn và 76 Thám hoa còn lưu lại tên tuổi thì nhà Hậu Lê có tới 26 vị Trạng nguyên, 28 Bảng nhãn và 41 Thám hoa.

12. Hậu Lê là triều đại có nhiều khoa thi lấy đỗ ít Tiến sĩ nhất, cụ thể có 2 khoa (1781, 1787) chỉ lấy đỗ 2 người; có 2 khoa (1592, 1667) lấy đỗ 3 người và 5 khoa (1458, 1583, 1589, 1616 và 1746) lấy đỗ 4 người. Đây cũng là triều đại lấy nhiều người nhất đỗ Tiến sĩ trong một khoa thi, đó là khoa thi năm 1478 lấy đỗ 62 người và khoa thi năm 1502 lấy đỗ 61 người.

13. Xét theo các khoa thi nói chung (gồm cả khoa thi chính là thi Hội, và các khoa thi đột xuất như: Minh Kinh, Hoành Từ, Lại viên…) thì khoa thi đông người tham dự nhất và lấy đỗ nhiều nhất là khoa thi Thư Toán tổ chức năm Bính Dần (1506) đời Lê Uy Mục. Cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết: “...thi khảo quân và dân bằng phép viết và phép tính ở sân điện Giảng Võ số người dự hơn 3 vạn, lấy 1519 người, phúc hạch 144 người, lấy 25 người trúng cách bổ vào hoa văn học sinh”.

14. Hậu Lê là triều đại có nhiều vị đại khoa lớn tuổi nhất, với Trạng nguyên già nhất là Vũ Tuấn Chiêu đỗ năm Ất Mùi (1475), Nguyễn Đức Lượng đỗ năm Giáp Tuất (1514), Nguyễn Xuân Chính đỗ năm Đinh Sửu (1637), cả ba đỗ đạt khi đã 50 tuổi. Ngoài ra còn có Bảng nhãn già nhất là Nguyễn Nghi 61 tuổi đỗ năm Đinh Sửu (1637), Thám hoa già nhất là Giang Văn Minh đỗ năm Mậu Thìn (1628) khi đã 56 tuổi và tiến sĩ già nhất là Quách Đồng Dần 68 tuổi đỗ năm Giáp Tuất (1634).

15. Hậu Lê là triều đại cho dựng nhiều bia tiến sĩ nhất, số bia Tiến sĩ còn tồn tại đến ngày nay không đầy đủ (Văn Miếu Thăng Long: 82 bia, Văn Miếu Huế: 32 bia) nhưng trong đó đã có tới 81 bia Tiến sĩ nhà Hậu Lê (Lê sơ: 13 bia, Lê Trung Hưng: 68 bia).

16. Hậu Lê là triều đại duy nhất có một số người thi đỗ Tiến sĩ đến 2 lần. Họ đã đỗ Tiến sĩ nhưng từ chối không nhận học vị này mà thi lại để hi vọng được xếp hạng cao hơn (mặc dù không phải ai cũng được như ý) đã nêu một tấm gương về lòng tự tin ở khả năng học của mình, về nghị lực kiên trì, ý chí quyết tâm cao trong học tập.

Đó là 6 vị Tiến sĩ: Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nguyên Chẩn (cùng đỗ năm 1442 và 1448), Nguyễn Nhân Bị (đỗ năm 1466 và 1481); Trần Doãn Minh, Nguyễn Bạt Tụy và Nguyễn Duy Tường (cùng đỗ năm 1508 và 1511)

Có thể nói nước Đại Việt thời Hậu Lê đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Mặc dù có những mặt hạn chế nhưng nhà Hậu Lê đã để lại nhiều bài học có giá trị đáng để hậu thế suy ngẫm, học hỏi và rút ra những kinh nghiệm quý báu.

Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào: