Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Đến với đất và người xứ Thanh

Xứ Thanh là nơi chuyển tiếp giữa Tứ trấn kinh kỳ (Đông, Đoài, Nam, Bắc) với duyên hải Miền Trung, là nơi liên kết giữa ba vùng sinh thái biển cả, đồng bằng và núi rừng, nơi vật lộn với thiên tai và chiến tranh tàn phá.


Đường nối Tây Thanh Hóa

Trong lịch sử dân tộc, vị thế của Thanh Hóa không chỉ là đất phên dậu quốc gia mà còn là nôi của văn minh Đại Việt. Vị trí địa lý địa và lịch sử đã làm nên nét đặc trưng văn hóa rất riêng biệt của vùng đất này.

Niềm tự hào riêng

Trên con đường thiên lý Bắc Nam , Thanh Hóa là tỉnh biệt lập bị cách trở bởi hai dải núi Tam Điệp và Hoàng Mai. Núi Tam Điệp ở phía Bắc ngăn cách tỉnh với đồng bằng Sông Hồng (mà trực tiếp là người láng giềng Ninh Bình). Núi Hoàng Mai ở phía Nam ngăn cách hai xứ Thanh - Nghệ. Giữa hai dải núi là con sông Mã biểu tượng của xứ Thanh cũng là nơi phát sinh điệu hò sông Mã “dô tá, dô hò” vừa kiên cường, vừa ngạo nghễ.

Căn Giữa

Sông Mã tại Cẩm Thủy

Với diện tích hơn 11 ngàn km2, Thanh Hóa có hơn 3,6 triệu người sinh sống, gộp đủ đức tính “ăn sóng nói gió” của dân miền biển, nét trầm hậu kín đáo của người dân lam lũ với đồng ruộng và cả gian lao trên vùng biên cương. Từ cuộc sống của người Kinh tới đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Dao, Khơ mú... Tất cả hình thành nên nét văn hóa đặc trưng Xứ Thanh


Thành nhà Hồ

Sông Mã, cái nôi khởi phát cho văn hóa xứ Thanh bắt nguồn từ vùng Tây Bắc làm nên hành trình dài trên trăm cây số băng qua đất Sầm Nưa (Lào) trở về lại Việt Nam . Bắt đầu từ Mường Lát, sông Mã chảy về xuôi, xuyên suốt làm nên đồng bằng Thanh Hóa Quảng Xương và Thiệu Hóa là những kho gạo cung cấp luơng thực cho toàn Xứ. Người Việt cổ, khởi phát từ văn hóa Núi Đọ, theo sông Mã khai làng, vỡ ruộng từ đó hình thành nên nền văn hóa sông Mã, một trong hai thành tố hình thành nên nền Văn Minh Sông Hồng.

Trống Đồng Đông Sơn được tìm thấy ngay trên huyện Đông Sơn, đã trở thành tên gọi chung cho nền văn hóa: Văn hóa Đông Sơn. Trống đồng cũng trở thành biểu tượng của người Việt từ ngàn năm trước và bất biến trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đi ngược sông Mã là bán đảo Sầm Sơn - thị xã du lịch biển, khu di tích văn hóa Hàm Rồng, thành nhà Hồ lên tới suối cá Thần Cẩm Lương và Lam Kinh (cũng cách sông Mã không bao xa.

Từ khí thiêng hun đúc mà nảy sinh hiền tài, Thanh Hóa là quê hương - nơi phát tích của nhiều bậc đế vương, danh nho: Từ Bà Triệu, Dương Đình Nghệ tới Đại Hành Hoàng Đế Lê Hoàn; Hồ Quý Ly người tạo dựng nhà Hồ (1400 - 1407); Thái Tổ nhà Hậu Lê (Lê Lợi); cho tới cả Trịnh - Nguyễn phân tranh cũng là anh em một nhà từ xứ Thanh. Những nhà văn hóa như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ là minh chứng rõ nét cho truyền thống văn hóa xứ Thanh.

Tập tính con người

Những tương đồng và khác biệt của xứ Thanh với vùng tứ trấn bao quanh kinh đô Thăng Long - Hà Nội và cả xứ Nghệ đã làm nên tính cách người Thanh Hóa. Người Thanh dù bôn ba mưu sinh ở ngoài hay lập nghiệp ngay chính quê hương thì khi nào cũng muốn khẳng định bản sắc rất riêng. Những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn trọng trong từng chi tiết không phải là thế mạnh mà thay vào đó là tư tưởng ưa làm thủ lĩnh và trung thành với những gì vốn có.

Đồng bằng sông Mã lớn thứ ba trong toàn quốc, nhưng người xứ Thanh không lớn lên bằng gạo trắng nước trong. Quanh năm họ phải vật lộn với nắng hạn, bão và cái lạnh thấu xương khi trời đông. Hạt lúa, củ khoai, củ sắn luôn có nguy cơ bị thiên tai cướp đi bất cứ khi nào. Từ bản thân sự gian lao ấy đã hình thành nên tập tính người xứ Thanh là cần kiệm, chi li.

Khi đảm nhiệm cương vị Bí Thư tỉnh Ủy Thanh Hóa, ông Lê Huy Ngọ nhân hội thảo về Lê Văn Hưu có ra vế đối: "Rừng nhiều, đất nhiều, người nhiều làm sớm làm chiều sao vẫn đói". Vế đối thể hiện cái trăn trở, băn khoăn của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thanh, về sau người dân đã đối lại vừa vặn mà cũng rất Thanh Hóa: "Vua có, Chúa có, Trạng có nói trăng nói gió bụng không no". Một giai thoại như vậy đủ để biết người Thanh Hóa nhìn rõ mạnh yếu của mình.

Địa hình là biểu trưng cho tập tính con người xứ Thanh, có lẽ chỉ nơi đây mới có cảnh giữa đồng ruộng mọc lên một ngọn núi. Cái cao ngạo đó không cho phép Thanh Hóa chậm nhịp phát triển. Nói riêng trong lĩnh vực văn hóa du lịch, xứ Thanh là Việt Nam thu nhỏ. Thành Nhà Hồ (đang được Sở VH - TT và DL tỉnh lập hồ sơ để UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới) ? Vị trí giáp biển đã đưa lại cho tỉnh Thanh bãi tắm Sầm Sơn đẹp nổi tiếng; núi rừng với cuộc sống của đồng bào trên rẻo cao Quan Sơn, Mường Lát, với rừng quốc gia Bến Én... Những tiềm năng đó đẩy mạnh ngành kinh tế du lịch Thanh Hóa bứt phá.

Từ quốc lộ 1A tới đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, đường sắt, cảng biển và tới đây là cảng hàng không. Khi Thành Nhà Hồ, hang Con Moong chính thức trở thành di sản văn hóa thế giới, con đường di sản Miền Trung sẽ nối dài tới tỉnh Thanh mà đường Hồ Chí Minh là con đường kết nối di sản. Lợi thế đó đưa Thanh Hóa bước tiến nhưng con đường mới không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Phan Quang

Không có nhận xét nào: